Truyền thuyết về Miếu Bà Chúa Xứ
Nhắc đến Châu Đốc hay Núi Sam thì người ta lại nhớ ngay đến Miếu Bà Chúa Xứ. Từ lâu, nơi đây đã trở thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng của các đoàn hành hương và du khách gần xa, đặc biệt là với dân miền Tây. Với niềm tin vào sự linh thiêng, ứng nghiệm, “cầu được ước thấy”.
Miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng vào năm 1820, với kiến trúc kiểu chữ “quốc” – hình dáng tựa đóa hoa sen nở. Mái miếu tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang rẽ sóng. Các hoa văn ở cổ lầu chánh điện mang đậm tính nghệ thuật. Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ dang tay đỡ những đầu kèo. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi lộng lẫy. Đặc biệt, bức tường phía sau tượng Bà, bốn cây cột cổ lầu trước chánh điện gần như được giữ nguyên như cũ. Bên trong thờ tượng Bà Chúa được tạc bằng đá xanh. Miếu thuộc địa phận xã Vĩnh Tế, Châu Đốc, An Giang.
Về nguồn gốc tượng Bà Chúa Xứ có nhiều truyền thuyết khác nhau. Một trong số những truyền thuyết đó kể lại rằng, trước đây tượng Bà Chúa Xứ chỉ là một hòn đá ở trên lưng núi Sam. Minh chứng cho điều này là bệ đá Bà ngồi vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Bệ đá có chiều ngang khoảng 1,60m, dài khoảng 0,3m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m, loại đá trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn, không tìm thấy ở địa phương. Theo nghiên cứu khảo cổ của người Pháp cho rằng tượng Bà Chúa Xứ là một loại tượng thần Vishnu, được tạc từ cuối thế kỷ thứ VI, mang văn hóa Óc Eo. Còn theo nhà khảo cổ học Sơn Nam: “Tượng Bà Chúa Xứ là một pho tượng Phật cổ của người Khơ Me xưa đã bỏ lại khi di chuyển. Đặc biệt đây là một pho tượng Phật có giới tính Nam. Và người Việt đã đem tượng Phật về điểm tô thêm nước sơn thành tượng Bà Chúa Xứ.”
Dân gian kể lại, khi xưa lúc xây dựng miếu thờ Bà Chúa Xứ ở chân núi, để thỉnh bà xuống núi, chín thanh niên lực lưỡng dùng kiệu nghênh tiếp tượng bà nhưng bức tượng vẫn không hề lay chuyển. Lúc ấy bà đã hiển linh và báo mộng là cần chín người trinh nữ khiêng xuống. Quả nhiên, sau khi chín người trinh nữ lên khiêng đã dễ dàng nâng được tượng bà xuống núi.
Năm 1820 – 1825, quân Xiêm sang xâm lược nước ta. Khi lên gặp tượng Bà, quân Xiêm khiêng tượng Bà xuống núi. Giữa chừng, tượng Bà bỗng nặng trĩu khiến chúng không thể khiêng nổi nữa và ngã lăn ra. Từ đó quân Xiêm kính sợ, không dám sách nhiễu dân làng ở vùng đó nữa. Dân làng cũng từ đấy tôn kính gọi Bà là Bà Chúa Xứ.
Không phải ngẫu nhiên mà miếu Bà Chúa Xứ mỗi năm thu hút hơn 3 triệu Phật tử từ các nơi đổ về hành hương, cúng bái cầu bình an, may mắn, tài lộc. Có du khách kể lại rằng, khi làm ăn họ không gặp vận, gặp thời. Người đó cúng bái khắp nơi, sau này nghe lời đồn, ông đã cất công từ Đà Nẵng bay vào Nam và viếng Miếu Bà Chúa Xứ. Và từ đó thời vận ông kéo về không thể hơn được. Từ đó hàng năm, ông đều vào Nam trả lễ Miếu Bà Chúa Xứ.
Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam” hàng năm sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 27/4 Âm lịch. Hàng vạn người từ khắp mọi nơi đổ về dự lễ và tham gia các trò vui như: hát bội, múa võ, ca nhạc ngũ âm, múa lân, đánh cờ… Các nghi lễ chính trong lễ hội bao gồm:
– Lễ “Tắm Bà” (tương tự như lễ mộc dục ở miền Bắc): Được cử hành vào lúc 0 giờ ngày 24/4 Âm lịch.
– Lễ Thỉnh sắc: cử hành vào khoảng 16h chiều ngày 25.
– Lễ Túc yết: được tổ chức lúc 0 giờ đêm 25 rạng 26-04 âm lịch, gồm có hai phần: nghi thức cúng tế và phần xây chầu.
– Lễ Chánh tế: được tổ chức vào tờ mờ sáng ngày 27, gần giống như nghi thức cúng Túc yết.
– Lễ Hồi sắc: cử hành vào khoảng 15h ngày 27-04, đoàn hành lễ sẽ rước bài vị Thoại Ngọc Hầu và nhị vị phu nhân từ miếu trở về Sơn Lăng. Kết thúc lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam .