Xưa, khi còn sanh tiền, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ân cần dạy bảo chúng sanh hãy sáng suốt quy y Tam Bảo gồm: PHẬT – PHÁP – TĂNG mà nương tựa tu hành; vì vậy, cúng dường Tam Bảo là cúng dường Phật, cúng dường Pháp và cúng dường Tăng.
Phật tử thường sắm lễ vật dâng cúng Phật tại tư gia hay chùa chiền, gọi là hành lễ cúng dường. Những lễ vật cúng dường nên dùng gồm: nhang, đèn sáp, hoa (sen, huệ), quả, tịnh thủy.
Khi hành lễ cúng dường, chúng ta cần sửa soạn các món lễ vật cho tinh khiết, sắp đặt có thứ tự trên bàn thờ sao cho đơn giản mà trang nghiêm, tránh rườm rà, rối rắm. Ví dụ: ở giữa phía trong bàn thờ: đứng ngoài ngó vô, sắp hoa bên tay phải, quả bên tay trái, tịnh thủy ngay chính giữa. Cận phía trước bàn thờ, nhang thắp ở giữa, đèn sáp đốt hai bên (như dùng đèn điện thì miễn đèn sáp).
Ngoài ra, những ai phát tâm muốn thờ Phật tại tư gia nhưng không có điều kiện tài chánh thì quý vị có thể góp tịnh tài thỉnh tôn tượng/ảnh Phật cho họ, đồng thời có thể giúp họ kiến lập bàn thờ Phật tại gia sao cho trang nghiêm đúng Pháp, tạo duyên lành cho họ tu hành hướng Phật. Nếu làm được vậy với tâm trong sạch vô cầu, không mảy may nghĩ tưởng cầu phước hay ban ơn mong chờ đền đáp… thì đây cũng chính là cúng dường Phật Bảo cao quý.
Tuy nhiên, món lễ vật cần thiết và quý báu hơn hết chính là TÂM THÀNH, là sự TU HÀNH CHƠN THẬT của người con Phật. “Tam giả QUẢNG TU CÚNG DƯỜNG” là Hạnh Nguyện Phổ Hiền Vương, là kim chỉ nam soi đường lưu truyền cho hậu thế y giáo phụng hành. Chỉ có QUẢNG TU – tức sự tu hành chơn chánh từ tâm nguyện từ bi rộng lớn vì đại sự giải thoát sanh tử luân hồi của muôn vạn chúng sanh, khế hiệp với hạnh nguyện Chư Phật – mới là CHƠN CÚNG DƯỜNG CHƯ PHẬT KHẮP 10 PHƯƠNG.
Pháp Bảo là lời Phật dạy, là giáo lý chơn chánh, giúp hành giả chuyển mê khai ngộ như Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Bát Chánh Đạo, Tứ Vô Lượng Tâm, Lục Độ… (xuất thế gian Pháp Bảo). Nay, vì muốn cho Phật Pháp cửu trụ Ta Bà, người con Phật phát tâm ấn tống in Kinh điển (thế gian trụ trì Pháp Bảo) phổ truyền sâu rộng đến mọi người, giảng giải Chánh Pháp giúp nhau hiểu Đạo mà tu hành, hướng đến con đường giác ngộ – giải thoát của chư Phật. Đó gọi là cúng dường Pháp Bảo hay Pháp thí, thuộc về hạnh Bố thí (Tài thí, Pháp thí, Vô úy thí) đầu tiên trong Lục Độ Ba-la-mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí Huệ). Nên nhớ, cúng dường Pháp Bảo với tâm trong sạch vô cầu mới thật quý báu cao thượng.
Xuất thế gian Tăng Bảo tức là các bậc Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, A La Hán đã chứng quả vô sanh.
Thế gian trụ trì Tăng Bảo tức chỉ các Thầy Tỳ Kheo chơn chánh (Thanh-tịnh Tăng), hoàn toàn cắt ái ly gia, trường trai tuyệt dục, nghiêm trì tịnh giới, thiểu dục tri túc, đức hạnh thanh cao.
Do đó, cúng dường Tăng Bảo tức là cúng dường chư Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, A La Hán và các thầy Tỳ Kheo tu hành chơn chánh. Tuyệt đối không cúng dường cho những kẻ tà sư, giả tu, phạm giới, tà hạnh, mượn Đạo tạo Đời, có những hành vi che đậy, đích thực không phải Sa-môn nhưng hiện tướng Sa-môn, không sống Phạm hạnh lại giả hiện tướng có Phạm hạnh nhưng nội tâm hôi hám, đầy những tham dục, sở hành bất tịnh… Lại càng không nên gần gũi, thân cận vì chẳng khác gì lầm gởi Huệ mạng tu hành của mình cho Tà đạo, ắt sẽ lầm đường lạc lối, phá kiến đọa tâm, chuốc khổ về sau. Nên nhớ: Giới Đức nghiêm trì, thân-khẩu-ý hành theo lời Phật dạy, Từ Bi Hỷ Xả, sống đời Phạm hạnh, thiểu dục tri túc, an bần thủ Đạo, chuyên tu Thiền Định, vô cầu – vô ngã độ sanh là những chuẩn mực căn bản giúp nhận biết tâm hạnh của vị Tỳ kheo chơn chánh hay tà mị, tu hành chơn thật hay giả dối, có đáng là bậc mô phạm cho thập phương tín chúng nương tựa, noi gương hay không (?). Quý Phật tử nên cẩn trọng suy xét!
Những lễ vật cúng dường Tăng Bảo gồm: thực phẩm, y phục, sàng tòa (ngọa cụ) và y dược (thuốc men). Ngoài tứ sự cúng dường trên, Phật tử tuyệt đối không cúng dường bất kỳ gì khác như tiền, xe, điện thoại… mà trái Pháp. Ngược lại, Tăng lữ tu hành càng không được nhận bất kỳ sự cúng dường nào khác, càng không được tích góp làm của riêng hay lạm dụng mà phạm Giới, trái với tôn chỉ “xuất gia, giải thoát” hạnh người tu Phật.
– “Tam giả QUẢNG TU cúng dường”. Đó là CHƠN CÚNG DƯỜNG cao quý nhất dâng lên Tam Bảo. Người con Phật, tu sĩ cũng như cư sĩ, hãy noi theo Hạnh Nguyện Phổ Hiền mà thúc liễm thân tâm, tu hành chơn chánh, cúng dường chư Phật.
– Hành lễ cúng dường là phương tiện nơi Sự mà hiển Lý, nơi Tướng hiển Tự Tánh nên hành giả phát tâm cúng dường cần trì giữ Tâm trong sạch, thanh tịnh, vô ngã, vô cầu, tu hành chơn thật. Được thế thì Lý – Sự viên dung, sự cúng dường mới được viên mãn.
– Lễ vật cúng dường Phật Bảo ở chùa hay tại tư gia chỉ là: nhang, đèn sáp, hoa (sen, huệ), quả, tịnh thủy, nhưng quý nhất chính là tâm thành, tu chơn. Lễ vật cúng dường Tăng Bảo, tức bậc Thanh-tịnh Tăng tu hành chơn chánh, chỉ là: thực phẩm, y phục, sàng tòa (ngọa cụ) và y dược (thuốc men). Ngoài ra, Quý Phật tử có thể tùy hỷ thỉnh tôn tượng/ảnh Phật cho người có tâm muốn thờ tại tư gia, hay in Kinh ấn tống, Pháp thí rộng rãi đến mọi người để tất cả sớm giác tâm quy Phật.
– Thanh quy chốn Tòng lâm thời chư Tổ là: tu sĩ hàng ngày “lên núi khai hoang, xuống ruộng cày bừa”, “một ngày không làm, một ngày không ăn”, nào dám mống tâm an ổn nhàn lạc, thong dong biếng lười sa đọa, thọ của đàn na sống lần lựa qua ngày mà đắm chìm trong dục lạc thiêu thân. Do đó, dẫu xuất gia chuyên tu giải thoát nhưng nếu có thể sắp đặt một nền tảng kinh tế tự túc, không thọ của bá tánh thập phương, lại tùy cơ duyên đem Phật Pháp từ bi ứng dụng cho đời cải ác vi thiện, vừa tự giác vừa giác tha trong thời buổi hiện nay thì thật là quý báu vô cùng. Ngược lại, nếu không thể tự túc cho đời sống tu hành của mình thì tu sĩ chỉ có thể thọ hưởng tứ sự cúng dường mà thôi, tuyệt đối không được nhận tiền bạc… làm của riêng hay cung cấp cho quyến thuộc mà hủy phạm Giới Luật, Huệ mạng chẳng còn, ắt khổ đọa muôn kiếp về sau.
– Còn đó lời Phật dạy để tất cả chúng ta cùng chiêm nghiệm, hành trì:
“Sau khi Ta nhập diệt, các con hãy lấy Giới Luật làm Thầy, y theo Chánh Pháp mà tu hành, tự thắp đuốc mà đi”.
” Giới còn là Ta (Phật Pháp) còn vậy”.
“Tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta”.
(nếu chẳng dụng Tâm mà chấp tướng (chấp ngã, chấp Pháp) khi tu Phật thì người ấy đang hành Tà đạo, trái chướng Tự Tánh nên giác ngộ mãi còn xa)
(Kinh Pháp Cú)
Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_ Diệu A Di Đà Phật _()_