Trong mỗi nhà ở Việt Nam đa phần đều có bàn thờ gia tiên (cửu huyền thất tổ) nhưng lại được ghi phổ biến bằng tiếng hoa nên không có mấy người hiểu được ý nghĩa, nên hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa, cách thờ cúng như thế nào cho đúng
Cửu huyền thất tổ là gì
“Cửu huyền: Chín đời: Cao, tằng, tổ, cha, mình, con, cháu, chắt, chít. Thất tổ: Bảy đời: Cao, tằng, tổ, cao cao, tằng tằng, tổ tổ, cao tổ.”
Mặc dầu trong các từ điển, chúng tôi không thấy có chữ “huyền” nào có nghĩa là “đời” cả, nhưng qua quá trình Việt Hoá, chữ nầy được hiểu như là “đời”, và có lẽ nên dịch là “thế hệ” thì chính xác hơn.
Chín thế hệ trên, nếu phiên âm bằng chữ Hán thì được viết như sau: Cao – Tằng – Tổ – Khảo – Kỷ – Tử – Tôn – Tằng – Huyền. Như vậy, nếu lấy thế hệ mình làm chính thì tính ngược lên bốn đời và tính xuống bốn đời thành ra chín đời.
Một vị Hoà Thượng mà người viết có duyên học hỏi đã giải thích rằng, sở dĩ gọi chữ “Huyền” ở đây vì chữ “Huyền” trong “cửu huyền” này vốn có nghĩa là “đen”, vô lượng kiếp chúng sanh luân hồi sống chết, khi thân xác này rã rời, phân ly, trả về cho tứ đại, những chất tinh tuỷ xương máu và thịt tan rã, huỷ hoại đều biến thành màu đen nên gọi là “huyền”. Bởi chín thế hệ vần xoay, sống chết như vậy nên gọi là “cửu huyền”.
Thất Tổ: Là bảy ông tổ. Tổ là Ông nội của đời mình; đi ngược lên sáu đời nữa gọi là thất tổ.
Như vậy, chữ “cửu huyền” bao quát hơn chữ “thất tổ”. Vì “thất tổ” chỉ cho các thế hệ đi trước, còn “cửu huyền” không những chỉ cho bốn thế hệ trước mà còn nhắc đến bốn thế hệ sau nữa. Chính vì vậy, nơi thờ phụng những vị quá vãng còn được gọi là “Nhà Thờ Cửu Huyền” (viết bằng tiếng Việt), thỉnh thoảng dùng bốn chữ “Cửu Huyền Thất Tổ” (viết bằng chữ Hán).
“Cửu huyền Thất tổ” tiếng Hoa 九玄七祖
Cách lập bàn thờ cửu huyền thất tổ
Theo nhà Phật, con người không phải tồn tại ở một đời này mà có thể nói, đời sống của một con người trong hiện tại chỉ là một điểm trong một chuỗi mắc xích dài vô tận, của một Phật tánh mượn tánh người và thân tứ đại, để tạo nhân quả. Chuỗi mắc xích dài vô tận ấy, lặp đi lặp lại từ đời này qua đời khác còn gọi là luân hồi, tức trở về chỗ cũ.
Quy luật luân hồi thì chúng ta không chỉ có một ông bà, cha mẹ một đời này, mà thực ra đã có nhiều ông bà, cha mẹ từ nhiều đời nhiều kiếp và vẫn lẩn quẩn theo qui luật Nhân – Quả: Trả – Vay! Có khi ông bà, cha mẹ đời trước đó lại là … con cháu của chúng ta đời này!
Còn Đức Phật, Thầy, Tổ Thiền tông là những vị đã vượt thoát ra ngoài qui luật sinh tử. Đồng thời giúp chúng ta Giác ngộ và chỉ đường cho chúng ta thoát hẳn ra khỏi qui luật đó, còn gọi là Giải thoát. Để từ đó, chúng ta mới có thể trở về chính quê hương chân thật của chúng ta, trong danh từ nhà Phật tạm gọi là “Phật giới”.
Do vậy, Ân Phật, Thầy, Tổ phải đặt lên trên ân ông bà, cha mẹ…
Lưu ý rằng việc vị trí đặt bàn thờ cũng rất quan trọng. Cần phải đặt đúng vị trí. Chúng tôi xin nêu khái quát các vị trí đặt nên tránh:
Tránh đặt bàn thờ Cửu Huyền trong một lồng kiếng, hộp hoặc để vật gì lên trên, kể cả Kinh sách Phật.
Tránh đặt bàn thờ Cửu Huyền ngay dưới bàn thờ Phật. Nên đặt phía dưới nhưng lệch sang một bên.
Nếu không có điều kiện đặt ở phía dưới bàn thờ Phật thì có thể tạm bố trí đặt ở cùng bàn thờ Phật nhưng chiều cao bức hình của bàn thờ Cửu Huyền phải thấp hơn của bức hình Phật và Bồ Tát. Ngoài ra, cần thiết phải có vách ngăn giữa bàn thờ Cửu Huyền và bàn thờ Phật trong trường hợp này. Vách ngăn có thể bằng gỗ, kiếng hay xi măng tùy ý.
Tuyệt vời nhất là vị trí bàn thờ Cửu Huyền đặt nơi riêng biệt với và thấp hơn bàn thờ Phật. Vì có khi Tổ tiên, ông bà, cha mẹ ta nhiều đời trước không tu theo đạo Phật, do vậy cần phải đặt riêng biệt và đúng vị trí.
Việc thờ cúng rất quan trọng, thể hiện hiểu đạo cũng như giúp gia đình an ổn, hạnh phúc. Còn ngược lại, sẽ làm cho gia đạo bất hòa, cũng như người ngoài nhìn vào sẽ cho mình là người không hiểu đạo vậy.
Mâm cúng cửu huyền thất tổ
Cách bố trí
2—-1—-3
4—-5
6—-8—-7
1- Đèn vọng.
2- Dĩa trái cây.
3- Bình bông.
4- Chung nước trà.
5- Ly rượu.
6 & 7- Cặp đèn nghi.
8- Lư hương (cắm 3 cây hương).
Thờ cúng Cửu Huyền, ý nghĩa: mình là cháu 9 đời, thờ các bậc Tổ Tiên 9 đời trước mình.
Thờ Cửu Huyền Thất Tổ là để tỏ lòng kính trọng Tổ Tiên mà trong buổi sanh tiền đã dày công giáo hóa, chỉ dẫn công việc làm ăn, dạy bảo cử chỉ hành động sao cho tốt đẹp, hợp đạo đức, để phát huy sự nghiệp làm rạng rỡ Tổ Tiên.
Bài cúng cửu huyền thất tổ (Văn khấn cúng cơm)
Thành kính lạy Cửu Huyền Thất Tổ,
Ngỏ đáp ơn báo bổ sanh thành,
Con quy y Phật tu hành,
Cửu Huyền Thất Tổ lòng thành chứng tri.
Noi theo hạnh từ bi của Phật,
Bỏ dứt đi những tật xấu xa,
Trau giồi đức hạnh thuận hòa,
Ðạo thành cứu độ Mẹ, Cha, Cửu Huyền.
Nay phẩm vật hiện tiền dâng cúng,
Hương, đăng, hoa chúc tụng cầu xin,
Cửu Huyền Thất Tổ hương linh,
Chứng lòng hiếu thảo ân sinh thuở đầu.
Công dạy dỗ cao sâu thăm thẳm,
Công dưỡng nuôi khó gẫm gì hơn,
Ăn cay, uống đắng không sờn,
Vì con đau khổ không hờn phiền chi.
Cha mẹ rất từ bi hà hải,
Nội ngoại đồng bác ái tình thương,
Cửu Huyền Thất Tổ đồng nương,
Từ đời vô thỉ khôn lường kiếp sinh.
Ân dưỡng dục minh minh như hải,
Ân sanh thành tợ Thái Sơn cao,
Con nay muốn đáp công lao,
Ðền ơn trả nghĩa thế nào cho xong.
Lời Phật dạy mênh mông biển khổ,
Cõi Ta bà không chỗ dựa nương,
Chúng sanh vì bởi tình thương,
Tình ân, tình ái mà vương nghiệp sầu.
Sanh tử mãi biết đâu mà kể,
Cứ trầm luân trong bể ái hà,
Cũng vì bản ngã chấp ta,
Tham lam, sân giận, cùng là si mê.
Những tội lỗi không hề dứt bỏ,
Ðường tử sanh nên khó bước qua,
Làm con muốn cứu mẹ cha,
Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà đền ân.
Ðem phẩm vật cúng dâng Tam Bảo,
Nhờ chư Tăng tâm đạo cầu nguyền,
Cầu cho Thất Tổ Cửu Huyền,
Siêu sinh Tịnh độ phước duyên đủ đầy.
Ai muốn đáp công thầy dạy dỗ,
Hay đền ơn Thất Tổ Cửu Huyền,
Chúng sanh tất cả các miền,
Thì nên phát đại lời nguyền độ tha.
Trước xuất thế lìa xa cõi tục,
Sau diệt tiêu lòng dục, tánh phàm,
Chẳng còn ưa chuộng, muốn ham,
Thân tâm thanh tịnh, Già lam dựa kề.
Tu chứng đắc Bồ đề Phật quả,
Ðộ chúng sanh tất cả siêu thăng,
Vượt lên cửu phẩm thượng tầng,
Là phương trả nghĩa đáp bằng công lao.
Ai hiếu tử mau mau ghi nhớ,
Muốn đáp đền mối nợ từ xưa,
Cần nên tu niệm sớm trưa,
Công dầy quả mãn phước thừa báo ân
Văn hoá Việt Nam dù trải bao thăng trầm lịch sử, nhưng đạo lý: “Sang đò nhớ ơn người chèo chống, nằm võng nhớ ơn người mắc dây” vẫn được khắc sâu trong tâm con người Việt Nam.