Theo truyền thống từ bao đời nay, vào dịp Tết Trung thu ban ngày sẽ là bày cỗ gia tiên, tối sẽ bày cỗ thưởng nguyệt. Về phần cỗ gia tiên được làm ban ngày thường là các món ăn mặn dâng lên các vị thần linh, những người đã khuất để tỏ lòng thành kính, cầu mong một mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ hạnh phúc.
Riêng đối với cỗ thưởng nguyệt vào buổi tối sẽ đặc biệt hơn vì thường sẽ là cỗ ngọt. Các gia đình sẽ trang trí mâm cỗ Trung thu bằng hoa quả, bánh kẹo rồi cùng quây quần ấm áp bên mâm cỗ.
Mâm cỗ Trung thu hay còn được nhiều người gọi với cái tên là mâm ngũ quả. Việc bày biện, trang trí mâm mâm ngũ quả đã được truyền lại bao đời nay với ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Theo đó, mâm ngũ quả ra đời dựa trên thuyết duy vật cổ đại, tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi năm yếu tố là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, vậy nên trên mâm cỗ Trung thu cũng có năm loại quả là tượng trưng cho sự đủ đầy, yên ấm.
Ở mỗi vùng miền trên đất nước Việt Nam lại có sự khác nhau về cách trang trí mâm ngũ quả và cách dùng các loại hoa quả để trang trí.
Trang trí mâm cỗ Trung thu ở miền BắcVới người miền Bắc, các loại quả thường được chọn để trang trí mâm cỗ Trung thu sẽ gồm có chuối, bưởi, đào, hồng và cam hoặc quýt.
Người Bắc luôn có quan niệm mọi vật đều phải có sự kết hợp hài hòa nên về cách bày trí mâm ngũ quả cũng có đôi phần phức tạp hơn. Khi trang trí mâm cỗ trí mâm cỗ Trung thu, người Bắc sắp xếp vị trí từng loại quả đều có ý nghĩa đặc biệt.
Nải chuối sẽ được đặt ở giữa và phía dưới cùng để đỡ lấy toàn bộ những trái cây khác do chuối là loại quả thể hiện cho sự che chở của trời đất dành cho con người. Ở chính giữa nải chuối sẽ là quả bưởi tròn, căng mọng. Đào, hồng và quýt sẽ lần lượt được bày ở xung quanh. Không những vậy, ngày nay có nhiều người còn sử dụng thêm nhiều loại quả có màu sắc khác nhau để bày thêm lên mâm ngũ quả như táo xanh, quýt vàng, ớt đỏ, phật thủ… Những loại hoa quả được chọn đều mang ý nghĩa cầu nguyện tiền tài, ấm no và sung túc.
Cách trang trí mâm cỗ Trung thu của người miền TrungNgười miền Trung lại khá thoải mái đối với việc trang trí mâm cỗ Trung thu. Họ thường không quá cầu kỳ cho việc chọn các loại hoa quả để bày biện. Điều này cũng một phần do miền Trung không đa dạng về các loại hoa quả nên thường sẽ tiện quả gì thì bày quả đó.
Mâm cỗ Trung thu của người miền Trung thường có đu đủ, mãng cầu, xoài, sung, chuối… Cách bày biện cũng tùy thuộc vào sở thích của mỗi người, nhưng tất cả đều chung một ý nghĩa biểu hiện lòng thành kính để dâng lên tổ tiên, cầu mong bình an và may mắn.
Mâm cỗ Trung thu của người miền Nam khá cầu kỳTrái ngược với miền Trung, việc trang trí mâm cỗ Trung thu tại miền Nam thì thực sự cầu kỳ, ngay cả trong việc thờ cúng mâm ngũ quả.
Trên mâm ngũ quả của người miền Nam thường có mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ý nghĩa được dịch ra là “Cầu sung vừa đủ xài”. Đặc biệt, mỗi mâm ngũ quả sẽ phải có ba chân đế là ba quả dứa để thể hiện sự vững chắc, kèm theo một cặp dưa hấu biểu trưng cho lòng trung nghĩa của người phương Nam.
Với mỗi vùng miền sẽ có tập tục, cách thức trang trí mâm cỗ Trung thu khác nhau nhưng tất cả đều mang một ý nghĩa là thể hiện sự hòa hợp của đất trời, bày tỏ lòng hiếu kính với bề trên, cầu mong sự ấm no, hạnh phúc.
Ngoài ra để có thể trang trí mâm cỗ Trung thu đẹp, chúng ta cần lựa chọn các loại quả sao cho phù hợp, nhất là về màu sắc sẽ là tăng thêm vẻ đẹp cho mâm cỗ. Dù bày loại quả gì đi chăng nữa thì cũng cần phải chọn cả quả xanh và quả chín bởi nó tượng trung cho sự cân bằng âm dương.
Đồng thời, để mâm cỗ Trung thu thêm độc đáo, hấp dẫn hơn thì ta có thể tạo hình những con thú từ các loại hoa quả để trang trí như: Làm chú chó từ bưởi, những chú cá ngộ nghĩnh từ thanh long hay đàn nhím nhỏ xinh từ lê và nho,…
Đặc biệt, khi trang trí mâm cỗ Trung thu sẽ không thể thiếu đi được hình ảnh của đèn ông sao và những chiếc bánh dẻo, bánh nướng.