Cúng Dường, Nhận Cúng Dường Đúng Pháp

Lượt xem: 5730

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP.9, TG. 2011, tr.319-323)

Nguồn: Sách: Đường Về Xứ Phật – Tập 9

Hỏi: Kính bạch Thầy! Quý vị cư sĩ phật tử cúng dường cho chư Tăng như thế nào là đúng pháp và như thế nào là không đúng pháp?

Chư Tăng khi nhận đồ cúng dường như thế nào đúng pháp và như thế nào là không đúng pháp? Phải làm gì khi thọ nhận sự cúng dường? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Ðáp: Người cư sĩ Phật tử cúng dường đúng chánh pháp là phải chọn một vị tăng giới đức nghiêm chỉnh, phải đầy đủ oai nghi tế hạnh, phải có một đời sống phạm hạnh, phải thiểu dục tri túc giống như Phật và chúng Thánh Tăng ngày xưa thì sự cúng dường ấy mới đúng là chánh pháp.

Khi chọn được một vị tu sĩ như vậy thì phải thành tâm dâng lên cúng dường với một tấm lòng cung kính ngưỡng mộ, mặc dù của ít lòng nhiều, không phải đòi hỏi ở những món ăn cao lương mỹ vị mới có lòng thành, mà chỉ là những món ăn đơn giản như cơm muối, củ khoai và tương chao rau đậu luộc, v.v…

Người cư sĩ phật tử cúng dường không đúng chánh pháp là cúng dường cho những vị tăng phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, sống không đúng oai nghi tế hạnh. Cúng dường cho những vị tăng này là nối giáo cho ngoại đạo diệt Phật giáo. Bởi đức Phật dạy: “Giới luật Ta còn là Ðạo Ta còn, giới luật Ta mất là Ðạo Ta mất”, câu nói này có nghĩa là tu sĩ còn giữ gìn giới hạnh nghiêm chỉnh thì đạo Phật còn, tu sĩ không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì đạo Phật mất.

Lời dạy năm xưa của đức Phật đến giờ này nó còn nguyên giá trị rất lớn, giúp cho chúng ta quan sát đạo Phật còn hay mất. Theo lời dạy này, đạo Phật không còn nữa. Từ khi đức Phật và chúng Thánh Tăng đã viên tịch hết thì không còn ai giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh nữa, nên đạo Phật đã mai một từ đó. Hiện giờ, quý vị cư sĩ phật tử muốn cúng dường đúng chánh pháp thì phải chọn những vị tăng xứng đáng, giới luật nghiêm trì không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì mới cúng dường, còn ngược lại thì quý vị không nên cúng dường cho những vị tăng phạm giới, phá giới, vì cúng dường như vậy là gián tiếp quý vị diệt Phật giáo, “Phật giáo còn là giới luật còn, Phật giáo mất là giới luật mất”. Các vị tăng phạm giới, phá giới là những vị Tăng đang diệt Phật giáo, đang giết chết Phật giáo. Quý vị cư sĩ hãy cảnh giác những vị tăng này, họ là những Ma Vương đội lốt tu sĩ Phật giáo để diệt Phật giáo.

Còn quý vị tăng tu hành chân chánh khi nhận sự cúng dường đúng chánh pháp thì không được nhận tiền, bạc, vàng, châu báu, y áo vải hàng tốt đẹp mà phải bằng vải hàng thô xấu, cách thức ăn mặc của một vị tăng chân chánh thì không được ăn mặc sang đẹp, vì ăn mặc sang đẹp là chưa nhàm chán thế gian, chưa nhàm chán thế gian là lòng tham muốn còn đầy đủ tham muốn. Tâm tham muốn còn đầy đủ là người thế gian chứ không phải là người tu, tâm chưa phải là người tu thì không nên nhận sự cúng dường, nhận sự cúng dường như vậy thì không đúng chánh pháp. Cho nên, những tu sĩ ăn mặc sang đẹp, ở trong chùa to Phật lớn, xe cộ đủ loại, tiền bạc cất giữ mà nhận của cúng dường thì không đúng chánh pháp.

Một vị tăng phải giữ gìn giới luật nghiêm túc, đời sống phải ba y một bát, thiểu dục tri túc, luôn luôn sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, mới xứng đáng nhận của cúng dường. Nhận sự cúng dường như vậy mới đúng chánh pháp. Một vị tăng chân chánh khi xứng đáng nhận đồ cúng dường là phải tu tập những pháp môn rất nghiêm chỉnh như sau:

1/ Thứ nhất phải sống một đời sống phạm hạnh thì mới xứng đáng thọ nhận của cúng dường, bằng ngược lại thì mang nợ đàn na thí chủ.

2/ Thứ hai là phải sống một đời sống giới luật nghiêm chỉnh, thấy các lỗi nhỏ nhặt sợ hãi, mới xứng đáng thọ nhận của cúng dường, bằng ngược lại thì mang nợ đàn na thí chủ.

3/ Thứ ba là phải nhập cho được Bất Ðộng Tâm Ðịnh. Bất Ðộng Tâm Ðịnh tươngđương với Sơ Thiền. Người nhậpđược Bất Ðộng Tâm là người ly dục ly ác pháp, người ấy mới xứng đáng nhận của cúng dường, nếu tâm chưa ly dục ly ác pháp thì chưa xứng đáng nhận của cúng dường.

4/ Thứ tư là phải siêng năng chuyên cần tu tập Tứ Chánh Cần tức là ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp, nếu một vị tăng mà không tu pháp môn này thì không xứng đáng nhận của cúng dường.

5/ Thứ năm là phải siêng năng tu tập Tứ Niệm Xứ để đẩy lui các chướng ngại pháp tức là khắc phục tâm tham ưu của mình thì mới xứng đáng thọ nhận sự cúng dường.

6/ Thứ sáu là phải siêng năng tu tập Tứ Bất Hoại Tịnh, tức là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới thì mới xứng đáng thọ nhận sự cúng dường.

7/ Thứ bảy là phải siêng năng phòng hộ giữ gìn các căn không cho dính mắc các trần tức là tu tập ngũ căn thì mới xứng đáng thọ nhận sự cúng dường.

***

Cúng Dường Đúng Cách Để Có Nhiều Công Đức

Phần lớn chúng ta đều nghĩ rằng phải cúng “phẩm đắc tiền” mới được nhiều công đức. Thật ra công đức không đến từ giá trị của phẩm vật cúng dường mà đến từ giá trị của tâm người cúng dường. Tâm người cúng dường mới là yếu tố quyết định lượng công đức nhiều hay ít. Tâm không tham lẫn là cái tâm cần phải có khi cúng dường. Vì sao phải hàng ngày cúng dường Tam Bảo?

Là Phật tử quy y Tam Bảo, hàng ngày chúng ta cần cúng dường Tam Bảo để tự nhắc nhở tâm quy y. Ngoài ra, cúng dường cũng là một phương pháp tích lũy công đức rất thù thắng. Không phải vì không cúng dường Phật sẽ bị đói khát: Phật vốn không cần phẩm cúng dường của chúng ta. Chỉ là nhờ vào Phật mà khi dâng phẩm cúng dường, chúng ta tích lũy được nhiều công đức.

Phẩm cúng dường có hai loại, một là cúng dường bằng phẩm vật cụ thể bày biện, hai là cúng dường bằng công phu quán tưởng. Cúng dường không phải là việc phức tạp hay tốn kém. Chỉ cần lập một bàn thờ đơn giản, không cần nhiều tiền của, có được gì cũng đều có thể dùng làm phẩm cúng dường dâng lên Phật. Buổi sáng dâng phẩm cúng dường, buổi tối thu dọn, làm cho đúng cách, với cái tâm cho thật đúng đắn. Nhờ tâm đúng đắn khi dâng phẩm cúng dường mà tích lũy nhiều công đức, vì vậy không cần nhiều tiền của vẫn có thể rộng rãi cúng dường.Nói về phẩm cúng dường

Cúng dường Tam Bảo phải trở thành một phần trong công phu tu tập hàng ngày. Bàn thờ giữ cho thật sạch, không để bụi bám, mỗi ngày lưu ý lau chùi sạch sẽ. Mỗi sáng thức dậy, rửa tay, che khẩu trang không để hơi thở làm ô nhiễm phẩm cúng dường, mang một bình nước đến trước bàn thờ. Chén nước hôm qua đã lau sạch úp sẵn trên bàn thờ, sáng nay mở từng chén rót nước vào. Khi rót có thể đọc minh chú cúng dường. Cúng nước rồi, đối trước bàn thờ lạy ba lạy. Cứ như vậy, buổi sáng dâng nước cúng dường, buổi tối dẹp nước, chùi chén cho khô sạch, úp trở lại trên bàn thờ. Đây là việc làm đơn giản, ai cũng có thể làm được.

Phần lớn chúng ta đều nghĩ rằng phải cúng phẩm đắc tiền mới được nhiều công đức. Thật ra công đức không đến từ giá trị của phẩm vật cúng dường mà đến từ giá trị của tâm người cúng dường. Tâm người cúng dường mới là yếu tố quyết định lượng công đức nhiều hay ít. Tâm không tham lẫn là cái tâm cần phải có khi cúng dường.

Nhiều người cho rằng cúng nhiều tiền thì được nhiều công đức. Nếu thật là như vậy, người không tiền làm sao cúng dường Tam Bảo? Vô lẽ không tiền thì không thể tích lũy công đức hay sao? Cũng có người mang nhiều tiền của cúng dường Tam Bảo, đến khi gia cảnh sa sút lại tiếc rẻ, phải chi đừng cúng nhiều như vậy. Những loại tâm lý như vậy đều là tâm lý khiến hao tổn công đức. Thực chất công đức không nằm ở giá trị của phẩm vật cúng dường mà nằm ở cái tâm không tiếc lẫn.

Nhiều Phật tử khi cúng dường thường mang tâm lý tham lẫn. Lấy ví dụ trường hợp đệ tử mua một cái chuông thật mắc tiền để cúng dường sư phụ, sau đó cứ mỗi lần đến chùa lại cứ nhấp nhổm nhìn xem sư phụ có dùng cái chuông của mình hay không, có thích nó hay không. Nếu sư phụ mang chuông tặng cho người khác, chắc chắn trong bụng sẽ không vui, nghĩ sao cái chuông mình tặng mà Thầy lại nỡ lòng đem cho người khác. Tất cả mọi trạng thái tâm lý này rất quen thuộc với chúng ta, mặc dù đã cúng dường nhưng vẫn tiếp tục giữ làm của mình, không xả được tâm lý tiếc lẫn. Chính tâm lý tiếc lẫn này sẽ khiến công đức bị chiết giảm trầm trọng, thậm chí không còn công đức gì lại còn tạo thêm ác nghiệp.

Vì lý do này mà cúng nước là phương pháp cúng dường cực kỳ thù thắng. Không ai mang nước ra cúng mà băn khoăn ít nhiều, mắc rẻ. Nước là món dễ kiếm, bất cứ một ai, dù giàu hay nghèo, đều đủ khả năng cúng mỗi ngày. Đây là phương pháp tạo công đức dễ dàng nhất, lại không bị tâm lý tham lẫn làm tổn hại công đức.

Muốn tu thì phải tích lũy nhiều công đức. Người giàu công đức khi tu sẽ chóng đạt kết quả. Công đức giúp tăng phước, tăng thọ, giúp mọi việc suôn sẻ dễ dàng. Cả trong đời sống hàng ngày cũng vậy, công đức rất cần thiết. Thử nhìn việc trong đời mà xem, nhiều người tài năng xuất chúng nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, đó là vì thiếu công đức. Nếu chúng ta biết cách tích lũy công đức thì việc đời việc đạo đều sẽ rất thuận tiện suôn sẻ.

Hôm nay Thầy hướng dẫn quí vị phương pháp cúng nước này là để quý vị tích lũy công đức, hầu giúp đường tu của quí vị được mọi điều thuận tiện. Chỉ cần chút siêng năng là làm được, không tốn nhiều thời gian, không cần nhiều tiền của.

Lập bàn thờ rồi, xin quí vị quan tâm giữ bàn thờ cho thật sạch. Phải ngày ngày xem xét, chùi dọn, quét bụi. Thầy nghe có Phật tử nói rằng bàn thờ không được thường xuyên lau chùi, phải một năm mới được phép lau chùi một lần. Phong tục tập quán như vậy không biết đến từ đâu, nhưng không nên theo. Ngay như chúng ta đây là người thường, bàn ăn giường ngủ cũng phải giữ cho sạch, không thể nào một năm mới chùi dọn một lần. Bản thân mình phải sạch sẽ mới thấy thoải mái, huống chi là bàn thờ Phật. Nơi thờ Phật không thể nào để dơ hơn nơi ở của chính mình, không thể một năm chùi một lần. Quí vị nên hàng ngày lau chùi bàn thờ cho gọn gàng sạch sẽ.

Phẩm cúng dường cũng vậy, không cần món đắt tiền, nhưng đã cúng thì phải tùy khả năng mà chọn những gì tốt nhất, đẹp nhất và nhiều nhất để cúng dường. Cúng trái cây thì đừng mang cúng loại trái cây đã hỏng chính mình chê không ăn. Làm như vậy là không được. Hay như người Tây tạng cúng đèn bơ, đợi khi bơ hư mốc không ăn được nữa mới mang ra làm đèn cúng Phật là không được. Cúng Phật như vậy không những không được công đức mà lại còn gieo nhiều ác nghiệp. Phẩm cúng dường phải luôn là những món thanh sạch nhất, tươi tốt nhất.Nói về tâm người cúng dường

Cúng dường được công đức hay không còn tùy nơi tâm người cúng dường. Vậy phải cúng dường bằng cái tâm như thế nào mới được nhiều công đức? Nếu cúng Tam Bảo với cái tâm cầu mong Tam Bảo hộ trì cho mình được giàu sang, cho mình hết bệnh tật, cho mình được điều này điều kia…cúng dường với cái tâm mong cầu hồi báo như vậy sẽ làm hao tổn công đức. Người cúng dường ít gì cũng phải nhớ về cảnh sống trong sinh tử luân hồi khi cúng dường, biết mọi sự trong cõi sinh tử luân hồi đều mang tính chất của khổ đau: khổ vì sinh, vì lão, vì bệnh, vì tử. Chúng ta là người ngụp lặn trong sinh tử luân hồi mà lại không hiểu về khổ đau của sinh tử luân hồi, không biết gì về khổ nạn của chính mình. Chư Phật, chư Bồ Tát nhìn vào cảnh sinh tử luân hồi, thấy chúng sanh khổ đau mà sinh lòng thương xót, đến nỗi nổ tung thành từng mảnh. Các vị thấy rõ, hiểu rõ nỗi khổ mà chúng sanh phải gánh chịu trong cõi sinh tử luân hồi. Còn chúng ta là kẻ chịu khổ sinh tử, vậy mà đối với khổ đau của chính mình lại không hay không biết. Loại khổ đau nào dễ thấy lắm thì còn hiểu được chút ít, còn đối với các loại khổ đau vi tế chúng ta lầm tưởng đó là an lạc hạnh phúc nên cứ mãi bám dính vào, không muốn buông ra. Phải hiểu khổ sinh tử luân hồi thì mới phát tâm cầu thoát sinh tử luân hồi. Khi cúng dường, chí ít phải cúng dường bằng cái tâm cầu thoát sinh tử luân hồi, được vậy công đức mới đủ mạnh.

Có người đến nghe pháp, vừa nghe đã hiểu, vừa hiểu đã có thể hành trì, vừa hành trì đã đạt kết quả. Thuận tiện như vậy đều vào công đức. Muốn tu phải có công đức. Muốn nghe pháp, hiểu pháp, cũng phải có công đức. Vậy chúng ta phải quan tâm đúng mức đến việc tích lũy công đức. Cần biết cách cúng dường như thế nào để tạo nhiều công đức. Công đức phải dồi dào đường tu mới thoát chướng ngại, đạt kết quả

Cúng Dường Đúng Chánh Pháp

Lượt xem: 5463

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trich ĐVXP.7, TG. 2011, tr. 157-162)

Nguồn: Sách: Đường Về Xứ Phật – Tập 7

Hỏi: Kính thưa Thầy! Những Phật tử đã biết các tu sĩ tu hành không có đạo hạnh, phá giới luật, ăn uống phi thời, sống phóng dật, chạy theo dục lạc thế gian, mà cứ cúng dường cho họ, thì sự cúng dường như vậy có phước báo gì không? Hay tạo thêm nghiệp cho những tu sĩ ấy. Xin Thầy chỉ dạy cho con rõ.

Ðáp: Một hôm vua Ba Tư Nặc hỏi Ðức Phật: “Bạch Ðức Thế Tôn, chúng con là hàng cư sĩ cúng dường bố thí thế nào cho đúng chánh pháp?”. Ðức Phật đáp: “Cúng dường bố thí cho cá nhân hay tập thể, thì cá nhân hay tập thể đó phải thanh tịnh”.

Chữ “thanh tịnh” ở đây đức Phật dùng để chỉ cho những người hiền lành, có đạo đức, không gian xảo, không lừa đảo, v.v… Còn tập thể thì chỉ cho những tu sĩ (các vị Tỳ Kheo) nghiêm trì giới luật, có đạo hạnh.

Ðức Phật dạy tiếp: “Nếu cúng dường bố thí không đúng cách thì cũng giống như đem hạt giống tốt gieo trồng trên đất chai, khô cằn thì hạt giống sẽ bị hư thối”.

Chữ “hư, thối” ở đây có nghĩa là không được phước mà còn tổn phước.

Biết một vị tu sĩ phá giới luật, phạm giới không có đạo hạnh, ăn uống phi thời, sống phóng dật, mà cứ cúng dường cho những tu sĩnày, để họ tiếp tục phá đạo Phật thì có tội rất lớn. Cũng như biết kẻ trộm cướp giết người mà che giấu, chứa nuôi trong nhà, thì đồng tội với kẻ trộm cướp giết người đó.

Nếu tất cả tín đồ Phật giáo ý thức điều này, tức là biết những tu sĩ phá giới, phạm giới luật Phật, thì chẳng nên cúng dường, bố thí, trai Tăng. Nếu không ai cúng dường thì những người tu danh, tu lợi làm sao sống được, mà phá Phật giáo.

Biết họ tu sai, mà cứ luôn nuôi dưỡng họ. Họ bày ra những điều mê tín thì lại tin theo, làm theo; như vậy khiến cho giáo pháp của Phật càng ngày càng sai lệch. Bây giờ nhìn lại giáo pháp của Phật không còn thực tế, cụ thể nữa, toàn là thứ giáo pháp trừu tượng, mơ hồ, mê tín, dị đoan, lạc hậu, v.v…

Cho nên, cúng dường không đúng đối tượng khiến cho Phật pháp suy đồi, tà pháp hưng thịnh, đạo đức con người chẳng còn. Tuy rằng, thời đại của chúng ta là thời đại văn minh khoa học cơ giới, điện tử, tin học đã phục vụ đời sống con người rất tiện nghi, nhưng lại khổ đau về tinh thần, khiếm khuyết về đạo đức quá lớn, trên khắp trên thế giới không lúc nào ngưng tiếng súng, ngưng chiến tranh, không phút nào con người ngưng chà đạp lên con người.

Sự lầm lạc phục vụ cho tà giáo ngoại đạo của kinh sách phát triển đã làm bao thế hệ trầm luân đau khổ. Mà đến giờ này con người chưa thức tỉnh, luôn luôn nối giáo cho giặc cướp nước, cướp nhà.

Người Phật tử phải sáng suốt trong sự cúng dường bố thí cho đúng chánh pháp. Ðừng nghĩ rằng, ai làm tội nấy chịu, mà phải thấy mình có trọng trách với mình, với mọi người, với tôn giáo mình đang theo, nó tốt hay xấu đều do chính mình. Mình theo tôn giáo đó, mà không làm đúng lời dạy của tôn giáo đó, lại làm theo tôn giáo khác, tức là mình phỉ báng tôn giáo mình đang theo.

Các tôn giáo đưa ra những giáo lý dạy con người sống thiện làm thiện, giúp con người có đạo đức, luôn sống trong những hành động thiện, chứ không có tôn giáo nào dạy làm những điều ác. Chính người theo tôn giáo lợi dụng tôn giáo, biến sai lệch giáo pháp tôn giáo theo ý đồ của mình, biến dần tôn giáo thành tà giáo, ác pháp; biến tôn giáo thành đế quốc, bắt con người làm nô lệ cho những kẻ độc tài tôn giáo. Bởi vậy, tôn giáo ra đời cũng do con người, làm sai cũng do con người, làm đúng cũng do con người.

Biết những tu sĩ phạm giới, phá giớiPhật, sống không đúng phạm hạnh, sống phi đạo đức mà cứ cúng dường cho họ sống, đó là sự cúng dường giúp cho những Ma vương phá đạo Phật, thì sự cúng dường ấy không có phước báo mà còn tiếp tay cho Ma vương phá Phật pháp. Tội phá Phật pháp là tội rất lớn với nhân loại, vì Phật pháp là đạo đức nhân bản của con người,cho nên hiện giờ con người được xem như gần mất đi nền đạo đức nhân bản chân chánh của Phật giáo, chỉ còn lại tà pháp vô đạo đức của Ma vương, nên người tu thời nay dở chết, dở sống mà “đạo chẳng ra đạo, đời chẳng ra đời”. Quý phật tử là đệ tử của Phật, phải chấm dứt ngay hành động cúng dường phi pháp, để Phật giáo còn có một chút hơi tàn, một chút ánh sáng mang lại cho loài người.

Nếu nói phật tử tạo nghiệp cho quý thầy thì không đúng, vì quý thầy là Ma vương, mà đã là Ma vương thì nó là ác pháp, lúc nào nó cũng muốn diệt chánh pháp của Phật. Chỉ có chúng ta lầm lạc Phật và Ma vương mà thôi. Nhưng nếu quý Phật tử sáng suốt thì sẽ không lầm lạc Ma vương và Phật vì Phật thì giới luật nghiêm chỉnh, còn Ma vương thì phá giới.

Biết Ma vương mà lại cúng dường cho Ma vương, đó là đang sống trong nhà của Ma vương thì đừng than khổ, đừng kêu ca “Tại sao chúng ta sanh làm người khổ? Rồi làm người lại làm khổ người quá vậy?” Hỡi quý thầy tu theo kinh sách phát triển, theo Ma Vương, quý Thầy không những làm khổ mình, khổ người mà còn làm khổ cho tất cả chúng sanh. Phật pháp càng ngày càng suy đồi, chánh pháp càng ngày càng biến mất, tà pháp càng ngày càng hưng thịnh. Thật là đau lòng phải không quý Phật tử?

Ma Vương đội lốt tu sĩ Phật giáo khắp nơi nơi, đâu đâu cũng thấy, cũng có những hình ảnh chướng tai, gai mắt, phạm giới, phá giới đầy dẫy. Hiện giờ, không đâu mà không thấy các tu sĩ phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới.

***

Cúng Dường Đúng Pháp Và Lợi Ích Của Cúng Dường Tam Bảo

Cúng dường Tam bảo được lợi ích tùy tâm niệm người Phật tử. Nếu vì mình và thân thuộc mình mà cúng dường, phước đức cũng theo tâm lượng hẹp hòi ấy. Nếu vì Tam bảo thường còn và lợi ích chúng sinh, phước đức sẽ theo tâm lượng rộng rãi thênh thang này.

>>Nghèo là không biết gieo nhân bố thí cúng dường

Cúng dường Tam bảo đúng pháp

Người Phật tử chân chính khi phát tâm cúng dường Tam bảo, chỉ vì mong cho Tam bảo thường còn ở thế gian để đưa chúng sinh ra khỏi đau khổ mê lầm. Nếu đến chùa, Phật tử cúng năm mười đồng, Tăng, Ni có hỏi cầu điều gì, Phật tử nên thưa: “Chúng tôi chỉ cầu mong chư Tăng, chư Ni nhận món tịnh tài này để có phương tiện an ổn tu hành, hầu truyền bá chánh pháp lợi ích chúng sinh.” Chỉ vì Tam bảo vì chúng sinh mà cúng dường, đây là tâm hồn cao thượng quảng đại vị tha. Làm việc bố thí cúng dường cao đẹp như vậy công đức làm sao giới hạn được. Vì Tam bảo thường còn ở thế gian để làm lợi ích cho chúng sinh, trong chúng sinh đã có bản thân mình và thân quyến mình rồi. Quên mình chỉ nghĩ đến toàn thể chúng sinh, không phải lòng lợi tha vô bờ bến là gì? Với một lòng vị tha rộng lớn như vậy, dù một số tiền nhỏ, một vật dụng mọn đem cúng dường cũng là phước đức vô biên. Cho nên nói “Phật dụng tâm”.

Chư Phật ra đời cũng vì chúng sinh, truyền bá chánh pháp cũng vì chúng sinh, chúng ta đền ơn chư Phật cũng vì cứu độ chúng sinh.

Tăng, Ni nhận sự cúng dường chân chính của Phật tử, tự nhiên thấy mình có một trọng trách lớn lao vô cùng. Làm sao tu hành tinh tiến? Làm sao truyền bá chánh pháp lợi ích chúng sinh? Để xứng đáng thọ nhận những thứ cúng dường của Phật tử, chỉ cần nỗ lực tu hành, cố gắng học tập để hiện tại và vị lai làm lợi ích chúng sinh. Nếu hiện đời, Tăng, Ni, không làm tròn hai việc này, có thể mai kia phải mang lông đội sừng để trả nợ tín thí. Biết như thế, hiểu như thế, Tăng, Ni làm sao dám lơi lỏng lơ là trong việc tu hành học tập. Thế là, nhờ sự cúng dường chân chính của Phật tử thúc đẩy Tăng, Ni đã cố gắng càng cố gắng hơn trong nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của chính mình.

Thấy mình thiếu nợ, mới cố gắng lo đền trả bằng cách nỗ lực tu hành và độ sinh, đây là mục tiêu đức Phật bắt Tăng, Ni thọ nhận đồø cúng dường của Phật tử. Tăng, Ni là người có bổn phận hướng dẫn tín đồ cúng dường chân chính đúng pháp thì, cả thầy trò đều cao thượng và lợi ích lớn. Chúng ta phải gan dạ đập tan những tập tục sai lầm, đừng vì quyền lợi, đừng vì cảm tình, khiến cho chánh pháp đi lần vào chỗ mờ tối suy tàn. Chúng ta là người lãnh đạo, không phải là kẻ theo đuôi tín đồ để cầu được nhiều lợi dưỡng. Đã dám bỏ nhà đi tu, tức là dám nhận chịu mọi sự đói rách nghèo nàn, mọi sự gian truân khó khổ, vô lý vì sự ăn mặc mà đi ngược lại sơ tâm siêu thoát của mình.

Tăng, Ni nhận sự cúng dường chân chính của Phật tử, tự nhiên thấy mình có một trọng trách lớn lao vô cùng.

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa chúng tôi hoàn toàn phủ nhận sự cầu nguyện. Chúng ta thấy rõ cầu nguyện chỉ là trợ duyên nhỏ xíu, kẻ đối tượng cầu nguyện chỉ được lợi ích một hai phần mười, như trong kinh nói. Chúng ta đã thừa nhận “nhân quả nghiệp báo” là chân lý thì sự cầu nguyện là ngoại lệ, có kết quả cũng tí xíu thôi. Cổ vũ cho điều phi chân lý, để cho người xao lãng chân lý, là việc làm trái với chánh pháp. Vì lòng hiếu thảo của Phật tử, buộc lòng chúng ta phải cầu nguyện, khi cầu nguyện chúng ta phải cảnh cáo rằng: “Việc làm này là phụ thuộc không đáng kể, kết quả ít lắm.” Có thế mới khỏi lệch lạc trên con đường hoằng hóa lợi ích chúng sinh. Đã thấy cầu nguyện là việc phụ, chúng ta đừng vì nó làm mất thì giờ tu học của Tăng, Ni, làm mất thì giờ truyền bá chánh pháp.

Chúng ta thấy rõ cầu nguyện chỉ là trợ duyên nhỏ xíu, kẻ đối tượng cầu nguyện chỉ được lợi ích một hai phần mười, như trong kinh nói.

Lợi ích của việc cúng dường Tam bảo

Cúng dường Tam bảo được lợi ích tùy tâm niệm người Phật tử. Nếu vì mình và thân thuộc mình mà cúng dường, phước đức cũng theo tâm lượng hẹp hòi ấy. Nếu vì Tam bảo thường còn và lợi ích chúng sinh, phước đức sẽ theo tâm lượng rộng rãi thênh thang này. Người Phật tử chân thật thì, bao giờ hay bất cứ việc gì cũng vì lợi ích chúng sinh. Đừng khi nào để lệch lạc mục tiêu tối thượng ấy. Chư Phật ra đời cũng vì chúng sinh, truyền bá chánh pháp cũng vì chúng sinh, chúng ta đền ơn chư Phật cũng vì cứu độ chúng sinh.

Đó là tâm niệm rộng lớn cao cả của người tu theo đạo Phật. Vì chúng sinh mà cúng dường Tam bảo, quả thật người Phật tử sống đúng chánh pháp, hành đúng chánh pháp. Hành động đúng chánh pháp thì công đức lượng đồng với chánh pháp, nghĩa là kiếp kiếp đời đời không mất. Nếu dạy Phật tử làm phước tạo công đức, Tăng, Ni nên dạy đúng tinh thần này.

HT. Thích Thanh Từ

Cúng Dường Lên Đức Phật Đúng Cách Là Làm Những Gì?

Vào buổi chiều ngày rằm tháng tư, Đức-Thế-Tôn ngự đến khu rừng Sāla tại Kusinārā, nơi nghỉ ngơi của hoàng tộc Malla, Đức-Thế-Tôn truyền bảo Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng: – Này Ānanda! Con nên đặt chiếc giường quay đầu về hướng Bắc, giữa hai cây Sāla (song long thọ). Khi ấy, Đức-Thế-Tôn nằm nghiêng bên phải, đầu quay về hướng Bắc, hai chân duỗi thẳng so le, chân phải duỗi thẳng, chân trái đầu gối hơi co, hai bàn chân đặt không đều nhau, có chánh-niệm trí-tuệ tỉnh-giác, không định trước giờ xả.Cúng dường Đức-Thế-Tôn Hai cây Sāla trổ hoa trái mùa, những đóa hoa rơi xuống kim thân để cúng dường Đức-Thế-Tôn. Các cây hoa trong rừng đều nở rộ, những đóa hoa trời, hương trời, … từ cõi trời rơi xuống như mưa để cúng dường Đức-Thế-Tôn. Những tiếng nhạc trời trỗi lên để cúng dường Đức-Thế-Tôn. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn truyền dạy Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng: – Này Ānanda! Hai cây Sāla trổ hoa trái mùa, những đóa hoa rơi xuống kim thân của Như-Lai, để cúng dường Như-Lai. Các cây hoa trong rừng đều nở rộ, những đóa hoa trời, hương trời từ các cõi trời rơi xuống, những tiếng nhạc trời từ các cõi trời cũng trỗi lên để cúng dường Như-Lai. – Này Ānanda! Sự cúng dường đến Như-Lai bằng phẩm vật như vậy không gọi là cách cúng dường cao thượng. Người nào là tỳ-khưu hoặc tỳ-khưu-ni, hoặc cận-sự- nam, hoặc cận-sự-nữ, là người thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, thực-hành đúng theo pháp-hành bát-chánh-đạo, hành theo chánh-pháp, người ấy được gọi là người có lòng tôn kính, lễ bái, cúng dường Như-Lai bằng cách cúng dường cao thượng. – Này Ānanda! Các con luôn luôn tâm niệm rằng: “Chúng ta là hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, thực-hành đúng theo pháp-hành bát-chánh-đạo, thực-hành theo chánh-pháp.” Sở dĩ, Đức-Phật đề cao sự cúng dường bằng cách thực-hành chánh-pháp là cao thượng hơn sự cúng dường bằng phẩm vật, là vì, chỉ có sự cúng dường bằng thực-hành chánh-pháp mới có thể giữ gìn, duy trì giáo- pháp của Đức-Phật trường tồn trên thế gian. Trích: Tam Bảo – Tỳ Khưu Hộ Pháp