Theo cổ tục nước ta, những ngày giáp Tết Nguyên đán (tính theo âm lịch) có nhiều tục lệ mang ý nghĩa khác nhau mà cho đến nay nhân dân ta vẫn còn bảo lưu nghiêm túc, coi đó là mỹ tục không thể thiếu, như: Lễ tảo mộ ông bà (từ 15 đến 25 tháng Chạp), Đưa và rước ông Táo (23 và 30), Dựng nêu (chiều 30), Rước và đưa tổ tiên ông bà (chiều 30 và sáng mùng 3 Tết), Lễ Trừ tịch, Giao thừa (giữa đêm 30), lễ Hạ nêu (sáng mùng 7 Tết)… trong đó có lệ cúng đầu năm vào sáng mùng 3 Tết. Lệ này còn gọi là “cúng hiếu”, đưa tổ tiên ông bà sau mấy ngày về ăn Tết với con cháu. Lễ vật cúng đầu năm sáng mùng 3 Tết nhất thiết phải có con gà trống.
Tục cúng gà đầu năm
Con gà cúng đầu năm phải chọn gà trống vừa đẹp vừa ngon thịt. Đó là loại gà Tàu, nuôi đất, chân vàng. Sau khi nhổ sạch lông, con gà trống được chéo hai cánh cho đẹp đem nhúng trong nồi cháo cho chín, vớt ra để trên mâm đặt lên bàn thờ gia tiên với tư thế “ngồi”, đầu ngẩng cao. Miệng gà cho ngậm một cái bông hồng (ý nghĩa hạnh phúc), hoặc bông mai (may mắn) hay bông vạn thọ (trường thọ). Sau khi cúng đầu năm và kiếu ông bà, thịt gà đem xé phay, trộn gia vị, gia đình cùng chung vui năm mới. Cặp cẳng gà được chặt ra để xem quẻ cát hung trọn năm gọi là bói cẳng gà. Nếu các ngón cẳng gà bung ra không tốt thì dùng làm mồi nhậu, còn tốt thì đem treo trước cửa, ý nghĩa là để trừ tà và cũng để “khoe” điềm tốt của nhà mình. Có ba “quẻ” được coi là tốt: Một là Nhất tý khu tà: Ngón cái bấm vào góc dưới ngón áp út (nơi gọi là cung Tý) có tác dụng đuổi tà, xua tai họa. Hai là Lưỡng quyền sinh lộc: Hai cẳng gà mà các ngón nắm lại thì sinh ra lộc (tượng trưng dùng sức mạnh lao động). Ba là Ngũ chỉ thủ ngân: Năm ngón chúm lại là nắm giữ được tiền bạc trong tay!
Triều Thiên Kê nghĩa là con gà chầu trời. Tương truyền ở cõi thượng giới có một con thần kê chầu trước cửa nhà trời, có nhiệm vụ gáy báo giờ cho Ngọc Hoàng và thần tiên ở thiên đình, quỷ ma khi nghe tiếng gáy của Triều Thiên đều phải lánh xa. Người trần mượn hình ảnh nó để trấn ếm tà ma. Trong Kê thư mô tả con Triều Thiên Kê như sau:
Lại có sách nói, con gà trong bức tranh ngày Tết là con Trọng Minh Điểu với truyền thuyết: Thời Thượng cổ nước Trung Hoa, lúc vua Nghiêu trị vì thì nước nhà thái bình thịnh trị. Nhưng thỉnh thoảng trong giấc ngủ, vua mộng thấy điềm gở: Hổ dữ, sói lang xuống núi quấy nhiễu dân lành: yêu ma từ trong rừng ra phá phách làng xóm. Sau những cơn ác mộng đó thì tai họa ập đến cho dân: Hạn hán, mất mùa, dịch bệnh… Vua vô cùng lo lắng! Một hôm, nước Chỉ Chi sai sứ thần đến tặng vua Nghiêu một con chim rất to, rất đẹp tên là Trọng Minh Điểu. Chim có hình dáng và màu sắc y hệt con gà trống nhưng tiếng gáy thì giống phượng hoàng. Trọng Minh Điểu rất ghét những loài gian tà, hung ác: Gặp tà ma thì rượt đuổi, gặp ác thú, ác điểu thì cắn đá cho chết. Từ khi có nó, vua không còn thấy ác mộng, dân chúng cũng không gặp tai họa như trước. Mọi người gọi nó là Kê vương (vua các loài gà). Từ đó người ta bắt chước triều đình dùng gỗ đẽo hình con gà trống đặt trước nhà. Người xưa tin rằng, trong đêm giao thừa, bọn ma quỷ được tự do lên thế gian kiếm ăn, nên mỗi lần Tết đến, người ta vẽ bức tranh gà trống (thay vì đẽo gỗ, khó hơn) treo trước nhà để trừ tà và xua tai họa.
Trong tâm thức của người Việt Nam, hình ảnh con gà trống luôn là biểu tượng cho sự cát tường và có uy lực trừ tà, vì con gà trống có đủ Ngũ đức. Ngũ đức đó là: Văn, Võ, Nhân, Dũng, Tín.
Văn: Trên đầu có mùng (mào) như quan văn đội mão. Võ: Dưới chân có hai cựa như quan võ trang bị cặp song đao. Nhân: Khi bươi được mồi không ăn một mình, “túc túc” gọi đồng loại đến cùng ăn. Dũng: Khi so cựa trước đối thủ dù to khỏe hơn mình vẫn không sợ sệt, nhút nhát, gặp diều quạ bắt gà con, liền xông vào cắn đá. Tín: Gáy báo trước cho mọi người, mọi vật đúng giờ giấc, không trễ nải, không lười biếng. Ngoài ngũ đức, sắc lông con gà trống được chia ra làm năm màu gọi là Ngũ thể, mà Ngũ thể thì tương ứng với Ngũ hành. Gà nhạn có mã hay lông trắng thuần Kim, gà xám thuộc Mộc, gà ô (đen) thuộc Thủy, gà điều thuộc Hỏa và gà vàng thuộc Thổ.
Ngày nay “bức tranh gà trừ tà ngày Tết” ít còn ai treo nữa, nhưng “tục cúng gà mùng 3 Tết” thì đa phần vẫn còn giữ theo lệ cũ. Âu đó cũng là một mỹ tục, tượng trưng cho lòng hiếu thảo con cháu đối với tổ tiên và cũng là dịp để gia đình họp mặt chung vui ngày đầu năm sau thời gian xa cách vì cuộc sống riêng tư của mỗi người.
Nguyễn Xuân Ba (st)Tuần Báo Văn Nghệ chúng tôi Xuân 2023