Việc bố thí và cúng dường có thiết thực hay không, và sẽ giúp ích gì cho người khổ hạnh? Những câu chuyện về bố thí và cúng dường nhà Phật sẽ cho bạn câu trả lời. Mời bạn cùng đọc 2 câu chuyện về bố thí và cúng dường trong Phật giáo.
1. “Nhờ bố thí, sáu đời dòng họ sinh thiên”
Truyền thống hành trì bố thí của dòng họ giàu có
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ Tát sinh vào một gia đình giàu có. Khi đến tuổi khôn lớn, ngài được hưởng tài sản và khi thân phụ mất đi, ngài tiếp nhận địa vị thương nhân của cha ngài.
Một ngày kia, khi xem xét lại sự giàu sang của mình, ngài suy nghĩ: “Tài sản của ta đây dĩ nhiên đầy đủ lắm. Song những vị đã tích lũy tài sản ấy nay ở đâu rồi? Ta phải phân chia tài sản ra và bố thí.”
Vì thế, ngài xây một bố thí đường. Trong lúc sinh thời, ngài bố thí rộng rãi. Và khi sắp mạng chung liền giao phó cho con trai ngài không được làm gián đoạn việc hành trì bố thí, còn ngài tái sinh là Sakka (Đế Thích) Thiên chủ ở cõi Trời Ba mươi ba. Con trai của ngài cũng bố thí như thân phụ đã làm, rồi giao trọng trách ấy cho con trai mình, và tái sinh lên làm Canda, Thần mặt trăng, giữa Thiên chúng.
Con trai vị này trở thành Suriya. Thần mặt trời, lại sinh ra một người con trở thành Màtali, Thần lái xe (của Thiên chủ Sakka hay Indra). Con trai vị này tái sinh làm Pancasikha (Ngũ kế) một vị Gandhabba (Càn-thát-bà), nhạc thần của Thiên chủ.
Người con trai đời thứ sáu lại rất tàn nhẫn, keo kiệt
Song người con trai thứ sáu trong dòng họ này lại không có tín tâm, tàn nhẫn, không thương người, keo kiệt. Người này phá hủy bố thí đường, đốt cháy hết, đánh đập các hành khất. Đuổi họ đi nơi khác làm ăn chẳng hề cho ai chút gì dù bằng một giọt dầu ở đầu ngọn cỏ.
Lúc ấy, Đế Thích Thiên chủ nhìn lại các việc của ngài trong quá khứ, tự hỏi: ” Truyền thống bố thí của ta có tiếp tục được chăng?”
Suy nghĩ thế, ngài nhận xét: ” Con trai ta tiếp tục bố thí, tái sinh làm Canda, con trai nó là Suriya, cháu nó là Màtali, và chắt nó là Pancasikha. Nhưng đứa con thứ sáu trong dòng họ đã phá bỏ truyền thống kia.”
Lúc ấy, ngài chợt có ý nghĩ này, ngài muốn đi điều phục con người độc ác kia. Và dạy cho gã kết quả của bố thí. Vì vậy ngài triệu tập Canda, Suriya, Màtali, Pancasikha đến gặp ngài và bảo:
– Này các Hiền giả, người con thứ sáu trong dòng họ ta đã phá bỏ truyền thống gia đình, nó đã đốt bố thí đường, đuổi đánh bọn hành khất đi chỗ khác, và không cho ai chút gì cả. Vậy ta phải điều phục nó.
Thế là ngài cùng các ông lên đường đi đến Ba-la-nại.
Đế Thích Thiên Chủ và gã thương nhân
Vào lúc ấy, thương nhân kia phải đến chầu vua. Và khi đã trở về, đang đi đi lại lại dưới tháp canh thứ bảy, nhìn theo con đường. Thiên chủ bảo các vị thần:
– Các Hiền giả, hãy đợi cho đến khi ta bước vào rồi hãy lần lượt theo sau.
Cùng với những lời này, ngài bước tới và đứng trước phú thương kia, bảo ông:
– Này Tôn ông hãy cho ta ăn với. – Này Bà-la-môn, chẳng có gì ở đây cho ngài ăn cả, hãy đi nơi khác. – Này Đại nhân, khi các Bà-la-môn khất thực thì chẳng nên từ chối. – Này Bà-la-môn, trong nhà ta chẳng có thức ăn nấu sẵn, cũng chẳng có thức ăn để nấu, hãy đi đi! – Này đại nhân, ta muốn đọc một câu kệ cho ngài, hãy lắng nghe.
Ta chẳng muốn nghe kệ gì cả, đi đi, đừng đứng ở đây.
Nhưng Thiên chủ không để ý lời ông và ngâm hai vần kệ:
Khi món ăn không có giữa nồi, Thiện nhân tìm, chẳng chối từ hoài, Còn ngài đang nấu, thì không tốt Nếu chẳng muốn chia xẻ với ai.2. Phóng dật, xan tham, kẻ chối từ Chẳng hề đem bố thí bao giờ, Còn người nào thích làm công hạnh, Là một trí nhân, phải biết cho.
Khi người này nghe nói vậy liền đáp:
– Thôi được, xin vào ngồi đó, ngài sẽ được ăn đôi chút.
Thần mặt trăng Canda và gã thương nhân
Thiên chủ Đế Thích vừa bước vào vừa ngâm các vần kệ ấy và ngồi xuống.
Kế đó là Canda bước lên xin thức ăn.
– Chẳng có thức ăn cho ngài đâu, đi đi!
Vị kia đáp:
– Thưa Đại nhân, có một vị Bà-la-môn ngồi trong đó. Ta đoán chắc hẳn có một bữa cơm bố thí cho Bà-la-môn. Nên ta cũng bước vào. – Chẳng có một bữa cơm nào bố thí cho Bà-la-môn cả, đi ngay đi!
Lúc ấy Canda nói:
– Thưa Đại nhân, xin nghe một hai vần kệ.
Rồi Ngài ngâm hai vần kệ (hễ khi một kẻ keo kiệt lo sợ không muốn cho ai cả, thì chính nỗi sợ hãi đó khởi lên trong lòng vì y không bố thí):
Sợ khi khát nước hoặc thèm cơm Khiến bọn xan tham phải hoảng hồn, Trong cõi đời này, đời kế nữa, Bọn ngu kia phải trả hoàn toàn.4. Vậy nên bố thí, tránh xan tham, Rửa sạch tâm nhơ ác dục tràn, Trong cõi đời sau, nhiều thiện nghiệp Sẽ là nơi trú tuyệt an toàn.
Sau khi nghe các lời như vậy xong, ông bảo:
– Thôi được, xin bước vào, và ngài sẽ được ăn một chút.
Vị kia bước vào ngồi xuống với Thiên chủ Đế Thích.
Thần mặt trời Suriya và gã thương nhân
Sau khi đợi một lát nữa, Suriya bước lên, và xin ăn bằng cách ngâm hai vần kệ:
Thực khó làm như các thiện nhân, Phát ban như các vị đem ban, Khó mà kẻ ác làm theo được Cuộc sống hiền nhân vẫn trú an.6. Vậy thì khi phải giã từ trần, Kẻ ác, người hiền bỏ thế gian, Kẻ ác tái sinh vào địa ngục, Người hiền sinh ở cõi thiên đàng.
Vị phú gia chẳng thấy cách gì thoát được chuyện ấy, đành bảo:
– Thôi được, xin bước vào, và ngồi với các Bà-la-môn này, rồi ngài sẽ được ăn đôi chút.
Đến lượt Thần lái xe Màtali tiến vào xin ăn
Và Màtali, sau khi chờ đợi một lát nữa, cũng bước lên xin ăn, và khi vị ấy được bảo là không có thức ăn, vừa mới nghe các lời ấy được thốt lên, liền ngâm vần kệ thứ bảy:
Có người ít của vẫn đem ban, Có kẻ không cho, dẫu của tràn, Người ít của cho không thể kém Kẻ kia ban phát cả trăm ngàn.
Ông bảo vị này:
– Thôi được, xin vào ngồi xuống.
Nhạc thần Pancasikha bước vào sau cùng.
Sau khi đợi thêm một lát, Pancasikha bước lên xin ăn. Kẻ kia đáp:
– Không có, đi đi!
Ông bảo:
– Ta đã đến thăm nhiều nhà rồi! Ở đây chắc phải có bữa cơm cúng dường các Bà-la-môn chứ, ta đoán thế.
Rồi ông bắt đầu nói với ông, vừa ngâm vần kệ thứ tám:
Dù sống chắt chiu, phải chánh chân, Con nhiều, của ít vẫn đem phân, Trăm ngàn đồng bạc người giàu cúng Chẳng sánh quà con của tiện dân.
Vị phú gia suy nghĩ lại khi nghe lời của Pancasikha. Rồi ông ngâm vần kệ thứ chín để yêu cầu vị ấy giải thích giá trị ít oi của các vật bố thí kia:
Sao dồi dạt lễ vật cao sang Giá trị không bằng vật chánh chân, Sao cả ngàn đồng từ phú hộ Chẳng bằng quà mọn kẻ cùng bần?
Pancasikha ngâm vần kệ kết thúc để đáp lời:
Nhiều người sống độc ác hung tàn, Đàn áp, giết rồi lại phát ban: Thí vật chua cay, tàn nhẫn ấy Thua xa quà tặng với chân tâm, Nên ngàn đồng bạc người giàu cúng Chẳng sánh quà con của tiện dân.
Nghe lời thuyết giáo của Pancasikha xong, ông đáp:
– Thôi được, xin ngài vào nhà ngồi xuống, ngài sẽ được ăn đôi chút.
Rồi ông cũng vào ngồi với các vị kia.
Gã thương nhân keo kiệt cúng dường thế nào?
Sau đó, phú ông keo kiệt Bilàri ra hiệu cho một tỳ nữ, bảo nàng:
– Hãy đem cho các Bà-la-môn đằng kia một đấu thóc còn vỏ.
Nàng ấy đem thóc đến gần các vị, bảo các vị rằng:
– Nhận thóc rồi đem nấu nơi khác mà ăn.
Các vị đáp:
– Ta chưa đụng đến thóc còn vỏ trấu. – Thưa ông chủ, các vị ấy bảo chưa hề đụng đến thóc còn vỏ. – Được, vậy thì cho các ông gạo đã xay.
Nàng ấy đem gạo đã xay, và bảo các vị nhận. Các vị bảo:
– Chúng ta không nhận thứ gì chưa nấu chín.
– Vậy thì nấu cho họ một ít thức ăn của bò trong cái nồi và đem ra mời khách.
Năm vị cầm lên mỗi người một miếng và đặt vào mồm, song để nó dính vào cổ họng rồi trợn mắt lên. Các vị bất tỉnh nằm đó như chết rồi. Cô nữ tỳ thấy thế nghĩ chắc các vị đã chết, nàng hoảng sợ chạy đi báo phú ông:
– Thưa ông chủ, các Bà-la-môn này không nuốt nổi thức ăn của bò, nên chết cả rồi!
Ông suy nghĩ: ” Bây giờ dân chúng sẽ trách mắng ta. Bảo gã độc ác này đem đống thức ăn trâu bò cho các Bà-la-môn yếu đuối và các ông không nuốt nổi nên đã chết.” Sau đó, ông bảo cô nữ tỳ:
– Mau đi chôn cất hết thức ăn trong bát của các ông, rồi nấu cho họ một ít món đủ thứ gạo ngon nhất.
Nàng tuân lời. Phú ông tìm một số khách qua lại trên con đường gần đó, khi đã tập hợp số người ấy lại với nhau, ông bảo:
– Ta đã cúng dường các Bà-la-môn này thức ăn giống như các thức ta vẫn ăn, nhưng các vị tham lam nuốt từng miếng lớn và vì ăn như vậy nên thức ăn mắc ở cổ họng và phải chết. Ta mời các ngài đến làm chứng cho ta vô tội.
Lật mặt sự dối trá của thương nhân nọ
Trước đám đông đang tụ tập như vậy, các vị Bà-la-môn đứng dậy, vừa bảo vừa nhìn vào đám đông:
– Các vị hãy xem sự dối trá của thương nhân này. Ông bảo cho chúng ta thức ăn của ông đấy! Một đống tạp nhạp thức ăn cho bò là những thứ ông đã đem cho chúng ta trước tiên. Sau đó sau khi chúng ta nằm như chết, ông bảo người nhà nấu thức ăn này đây.
Rồi các vị ấy nhả ra từ miệng những thứ đã ăn rồi chỉ thứ đó. Đám đông trách mắng vị thương gia, thét lớn:
– Đồ ngu si, mù quáng! Ông đã phá bỏ phong tục gia đình ông. Ông đốt bỏ thí đường, ông đã nắm cổ các hành khất tống ra đường. Giờ đây khi bố thí các Bà-la-môn yếu đuối này, ông lại cho một đống thức ăn trâu bò. Đến lúc ông sang thế giới bên kia, chắc ông sẽ mang hết tài sản trong nhà buộc thật chặt quanh cổ đấy!
Vào lúc ấy, Đế Thích Thiên chủ bảo đám đông:
– Các người có biết tài sản này là của ai chăng? – Chúng tôi không biết.
Ngài bảo:
– Chắc các người có nghe một đại phú thương ở Ba-la-nại, ngày xưa sống ở thành này, đã xây một bố thí đường, và bố thí rất rộng rãi? – Thưa có. Chúng tôi có nghe nói về ông.
Ngài bảo:
– Ta chính là vị thương gia đó, nhờ các vật tài thí ấy ta được là Đế Thích Thiên chủ bây giờ đây. Và con trai ta đã không phá vỡ truyền thống gia đình, trở thành thần Canda, con trai nó là Suriya và cháu trai của nó là Pancasikha. Trong các vị này, đằng kia là Canda, đó là Syriya. Và đây là Màtali, thần lái xe, còn đây nữa là Pancasikha, nhạc thần. Ngày xưa là cha của kẻ độc ác đằng kia ấy. Bố thí tạo công đức lớn như vậy, cho nên người có trí phải làm công đức.
Đế Thích Thiên chủ điều phục Bilàri Kosiya
Nói vậy xong với ý định đánh tan các mối nghi hoặc của dân chúng đang tụ tập tại đó. Các ngài bay lên không gian và đứng vững trên không. Nhờ thần lực của các ngài hiện ra một đám tùy tùng đông đảo vây quanh, toàn thân các ngài sáng rực lên vì thế toàn thể kinh thành như ở trong đám lửa. Sau đó Đế Thích Thiên chủ bảo đám đông:
– Chúng ta đã rời vinh quang thiên giới để đến đây và chúng ta đến chỉ vì kẻ độc ác Bilàri Kosiya này. Người cuối cùng trong dòng họ, người tàn phá cả giống nòi mình. Vì chúng ta biết ác nhân này đã phá bỏ truyền thống gia đình. Đốt bố thí đường, nắm cổ hành khất tống ra ngoài. Vi phạm phong tục của nhà ta, và do từ bỏ bố thí, nó sẽ tái sinh vào địa ngục.
Ngài thuyết giáo cho đám đông như vậy, xong lại nói về công hạnh của bố thí. Bilàri Kosiya chấp hai tay thỉnh cầu và phát nguyện.
– Tâu Thiên chủ, từ nay trở đi, con xin nguyện sẽ không phá bỏ phong tục gia đình nữa. Mà con sẽ bố thí. Bắt đầu ngay hôm nay, con quyết chẳng bao giờ ăn mà không chia phần cho kẻ khác. Các vật dụng của riêng con, ngay cả nước uống và cả tăm xỉa răng con dùng cũng vậy.
Đế Thích thiên chủ đã điều phục ông như vậy, làm cho ông biết xả thân, và an trú ông trong Ngũ giới, rồi trở về cõi của ngài. Còn vị thương nhân cứ bố thí suốt cả đời nên được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba.
2. Câu chuyện về bố thí, Cúng dường Đức Phật, được làm Hoàng hậu
Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về Hoàng hậu Mallikà (Mạt-lợi).
Nàng nguyên là con gái của vị trưởng nghiệp đoàn bán vòng hoa, cực kỳ diễm lệ và hiền thục. Khi nàng được mười sáu tuổi, trong lúc đi đến vườn hoa cùng các thiếu nữ khác, nàng mang theo ba phần cháo sữa chua trong giỏ hoa.
Nàng Mallikà hoan hỷ cúng dường đức Thế Tôn ba phần cháo
Khi nàng rời thành phố, nàng trông thấy đức Thế Tôn vào thành, tỏa hào quang rực rỡ và được Tăng chúng vây quanh, nàng đem cúng dường Ngài ba phần cháo ấy.
– Này Ànanda, cô gái này hôm nay sẽ trở thành chánh hậu của vua Kosala do phước báo ba phần cháo này.
Còn cô gái tiếp tục bước đến vườn hoa. Ngay chính hôm ấy vua Kosala giao chiến với vua Ajàtasattu (A-xà-thế) và thất bại phải đào tẩu. Trong khi đang đi ngựa, vua nghe tiếng nàng hát rất hấp dẫn liền thúc ngựa vào khu vườn. Công đức của cô gái đã đến thời chín muồi, vì thế khi thấy vua, nàng không chạy trốn mà đi đến cầm lấy dây cương nơi mũi ngựa.
Vua ngồi trên lưng ngựa hỏi nàng đã có chồng chưa. Khi nghe nàng đáp chưa, ông xuống ngựa và đang mệt mỏi vì nắng gió, ông nằm nghĩ chốc lát trên đùi nàng. Sau đó ông đưa nàng lên ngựa, cùng đạo quân hùng hậu đi vào thành, đưa nàng đến tận nhà riêng.
Chiều hôm ấy vua phái một vương xa trong cảnh vô cùng vinh quang lộng lẫy đến rước nàng từ nhà nàng về đặt lên một bảo tọa đầy châu báu, làm lễ quán đảnh (rảy nước thánh lên đầu) cho nàng và phong nàng làm chánh hậu.
Công đức chư Phật thật vĩ đại dường nào
Từ đó trở đi, nàng trở thành hoàng hậu thân thiết tận tụy được vua sủng ái, nàng có đầy đủ năm vẻ yêu kiều của nữ nhi. Lại có đủ đám nô tỳ trung thành và nàng lại là một tín nữ được nhiều hồng ân của chư Phật. Cả kinh thành loan tin rằng nàng được mọi vinh hoa ấy là vì nàng cúng dường Bậc Đạo Sư ba phần cháo.
– Này các Hiền giả, Hoàng hậu Mallikà cúng dường đức Phật ba phần cháo, và do phước báo này, ngay chính hôm ấy bà được làm lễ quán đảnh phong ngôi hoàng hậu: Công đức chư Phật thật vĩ đại dường nào.
– Này các Tỳ-kheo, không lạ gì nàng Mallikà trở thành chánh hậu của vua Kosala nhờ cúng dường đức Phật Chánh Đẳng Giác ba phần cháo mà thôi, vì cớ sao? Đó là nhờ đại hồng ân của chư Phật: Các trí nhân ngày xưa cúng dường các vị Độc Giác Phật cháo không có muối hay dầu nữa. Song nhờ thế trong đời sau đạt được vinh quang của đế vương tại Kàsi rộng ba trăm dặm.
2 câu chuyện về bố thí và cúng dường ở trên làm sáng tỏ phước báo của người hành thiện. “Bố thí một cách lễ độ, bố thí với tự tay, bố thí có suy tư kỹ lưỡng, bố thí vật cần dùng, bố thì có nghĩ đến tương lai.” Ngoài chân tâm ra thì đây là những điều mà chúng sanh nên ghi nhớ.