Chiều ngày 20/8/2013, Viện Quản lý châu Á- Thái Bình Dương, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đã tổ chức buổi tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm học tiến sĩ ở các trường đại học nước ngoài” tại gác 2 nhà 10, trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tham dự buổi tọa đàm có TS. Nguyễn Thị Thu Hà, chuyên viên cao cấp của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục Đào tạo, GS. Robin Snell từ đại học Lingnan, Hồng Kông, GS. Jacky Hong từ đại học Macau, PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng, TS. Lê Quang Cảnh, và TS. Nguyễn Vũ Hùng từ Viện Quản lý Châu Á- Thái Bình Dương, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cùng đông đảo các giáo sư, nhà nghiên cứu đã hoàn thành chương trình tiến sỹ ở các trường đại học nước ngoài. Rất đông các nghiên cứu sinh, giảng viên quan tâm từ Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân, Đại học Ngoại thương, Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Bưu chính Viễn thông, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Mỏ địa chất, … đã đến tham dự và đặt các câu hỏi trong buổi tọa đàm.
Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, chuyên viên cao cấp của Bộ Giáo dục Đào tạo đã chia sẻ các thông tin về đề án 911. Đây là đề án của Bộ Giáo dục Đào tạo nhằm tăng cường độ ngũ giảng viên và nghiên cứu cho các trường đại học ở Việt Nam. Theo chương trình của đề án, các giảng viên và cán bộ khác trong các cơ quan Nhà nước sẽ được cấp kinh phí để tham gia các chương trình đào tạo tiến sỹ trong và ngoài nước. Yêu cầu tối thiểu của chương trình là những người tham gia sẽ phải có cam kết vào làm việc trong các trường đại học ở Việt Nam sau khi hoàn thành các chương trình đào tạo tiến sỹ.
Chia sẻ các kinh nghiệm về nộp hồ sơ và hoàn thành các chương trình tiến sỹ ở các trường đại học ở nước ngoài, GS. Robin Snell đến từ đại học Lingnan, Hongkong cho rằng điều quan trọng nhất trước khi tham gia một chương trình tiến sỹ ở nước ngoài là nghiên cứu sinh cần xác định mình sẽ phải thực hiện các nghiên cứu khoa học cơ bản, đem lại những đóng góp mới cho nền khoa học thế giới. Với kinh nghiệm nhiều năm hướng dẫn các nghiên cứu sinh, GS. Snell cho biết, các giáo sư ở đại học nước ngoài thường có những yêu cầu về hiểu biết cũng như đam mê của nghiên cứu sinh đối với lĩnh vực khoa học mà họ định theo đuổi. Ngoài ra, GS. Snell cũng nêu ra các điểm mạnh và điểm yếu của các nghiên cứu sinh khi mới tham gia chương trình như trình độ ngoại ngữ hàn lâm và khả năng quản lý thời gian dành cho nghiên cứu.
GS. Jacky Hong từ đại học Macau cũng chia sẻ các kinh nghiệm về học tiến sĩ bán thời gian của mình. Ông cho biết việc học tiến sĩ bán thời gian rất vất vả so với học toàn thời gian. Thực chất, các yêu cầu đầu ra với các chương trình này không khác nhiều so với các chương trình toàn thời gian. Vì vậy, khi còn là nghiên cứu sinh, ông đã phải sắp xếp gặp người hướng dẫn của mình hàng tuần qua các chuyến bay, đồng thời vẫn phải đảm bảo thời gian giảng dạy ở vị trí lúc đó. GS. Hong cũng chia sẻ các kinh nghiệm để hoàn thành các chương trình tiến sỹ mà điều quan trọng nhất là phải làm việc liên tục, hàng ngày để có thể đạt được kết quả cuối cùng.
TS. Nguyễn Vũ Hùng tốt nghiệp tiến sĩ tại Georgia State University, Hoa Kỳ năm 2011 cho biết kinh nghiệm học tiến sĩ có thể rất khác nhau giữa các nước như Mỹ, Anh, Đức, và các nước ở châu Á. Ở Mỹ, chương trình tiến sĩ thường bao gồm hai giai đoạn: giai đoạn đầu là 2 năm (coursework) để học các phương pháp nghiên cứu và một số môn chuyên ngành và giai đoạn sau thường từ 2 năm trở lên để nghiên cứu sinh tự nghiên cứu, đề xuất, và bảo vệ đề tài nghiên cứu của mình. Theo TS. Hùng, điều quan trọng khi nộp hồ sơ học tiến sĩ ở Mỹ là phải đảm bảo các tiêu chuẩn cứng như tiếng Anh, GMAT/GRE, và quan trọng là thể hiện được tốt nhất bản tự bạch cá nhân (Statement of purpose). Kinh nghiệm cho thấy, điều quan trọng của SOP là phải cho thấy sự đam mê và sự phù hợp của ứng viên với các giáo sư ở trường đại học mà nghiên cứu sinh muốn tham gia chương trình. Trong quá trình nghiên cứu, sự tập trung và đam mê là rất quan trọng. Với các nghiên cứu sinh ở Mỹ, việc dành thời gian để đọc 500-700 tài liệu nghiên cứu/tuần dường như là yêu cầu tối thiểu. Ngoài ra, điều quan trọng là phải lựa chọn được và làm việc thường xuyên với giáo sư hướng dẫn. PGS. Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý Châu Á- Thái Bình Dương cho biết, sau khi nghiên cứu về nhu cầu và những khó khăn của nghiên cứu sinh khi tham gia học tiến sĩ ở nước ngoài, Viện đang thiết kế và triển khai các khóa học Tiền tiến sĩ nhằm trang bị cho nghiên cứu sinh các điều kiện cần thiết để có thể nộp hồ sơ thành công và hoàn thành các chương trình tiến sĩ đó. Dự kiến, Viện sẽ tổ chức các khóa học này vào tháng 10 năm nay với các nội dung tập trung vào phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, cách viết đề xuất nghiên cứu và bài báo khoa học, tiếng Anh hàn lâm, và các kỹ năng cần thiết khác. Đây sẽ là cơ hội cho các nghiên cứu sinh tương lai được trang bị các kiến thức và kỹ năng để tránh “sốc” khi ra nghiên cứu ở nước ngoài.
Đông đảo các khán giả tham dự đã đặt các câu hỏi cho các diễn giả. Đây đều là những câu hỏi rất cụ thể về tiêu chí lựa chọn ứng viên của đề án 911, kinh nghiệm viết đề xuất, kinh nghiệm viết tổng quan, kinh nghiệm quản lý thời gian, ….thể hiện sự quan tâm thực sự đối việc các chương trình học tiến sĩ các trường đại học nước ngoài. Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí vui vẻ, cởi mở, với sự chia sẻ kinh nghiệm nhiệt tình, thiết thực từ các diễn giả.
|