Thực tiễn quy trình chính sách ở Việt Nam: mấu chốt thành công là cấp trung gian?

Thực tiễn quy trình chính sách ở Việt Nam: mấu chốt thành công là cấp trung gian?

Ngày đăng: 17/03/2015
22:27:59

Ngày 13/3/2015 tại Học viện Hành chính quốc gia, Hà Nội, đã diễn ra hội thảo về Quy trình chính sách ở Việt Nam. Đây là cuộc hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm về quy trình và thực tiễn xây dựng chính sách ở Việt Nam và Nhật Bản, do tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Tại hội thảo, nhóm nghiên do Viện Quản lý Châu Á – Thái Bình Dương chủ trì, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Khoa Kế hoạch &Phát triển, Khoa Du lịch và Khách sạn (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cùng với các nhà nghiên cứu của Học viện Hành chính Quốc gia đã báo cáo những kết quả nghiên cứu ban đầu liên quan đến một số tình huống xây dựng các chính sách tại Việt Nam.
Trong thời gian qua tại Việt Nam, thực tiễn quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách về tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công (Nghị định 10, 43), Chương trình nông thôn mới, và Quy hoạch Du lịch trung du và miền núi Bắc Bộ, đã cho thấy một số đặc điểm chung đáng chú ý:
-Xây dựng và thực hiện chính sách là một quá trình thay đổi và tương tác về lợi ích và nhận thức của các bên tham gia. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các chính sách đạt được kết quả tích cực là những chính sách được xây dựng dựa trên sự “thấu cảm” với thực tế vấn đề mà chính sách hướng tới. Tuy nhiên, quá trình từ ý tưởng tới thực hiện luôn gắn với quá trình đấu tranh về lợi ích giữa các bên. Nếu không giải quyết được vấn đề này, chính sách sẽ không thể được xây dựng và thực hiện thành công.
-Mặc dù hai cách tiếp cận thường được nhắc tới trong việc xây dựng chính sách là từ trên xuống (top-down) hoặc từ dưới lên (bottom-up), thực tế xây dựng chính sách ở Việt Nam cho thấy cho thấy tồn tại cách tiếp cận từ “giữa ra”. Nói một cách khác, đội ngũ cán bộ làm chính sách ở cấp trung gian đóng vai trò quan trọng trong tất cả các khâu từ ý tưởng, hoạch định, tới triển khai và thực thi chính sách. Trong nhiều trường hợp, đây là đối tượng quyết định tới sự thành công của chính sách.
-Hầu hết việc làm chính sách của Việt Nam là của các cơ quan Chính phủ và vì vậy cách làm chính sách hiện nay mang nhiều màu sắc “bao cấp, kế hoạch hóa tập trung”. Tư tưởng này thường gây ra rất nhiều khó khăn trong việc hình thành ý tưởng và xây dựng chính sách phù hợp và vì vậy dẫn tới những lãng phí trong triển khai thực thi.
-Nghiên cứu cơ bản và bằng chứng khoa học vững chắc thường không được sử dụng hoặc tin tưởng trong quá trình hình thành ý tưởng và hoạch định chính sách. Kết quả là, nhiều chính sách lặp lại những sai lầm đã được chỉ ra trong các nghiên cứu nhưng chỉ thay đổi sau một thời gian thực sự va vấp với thực tế.
Với một số kết quả ban đầu đó, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện báo cáo nghiên cứu. Hi vọng, các kết quả cuối cùng sẽ là những tài liệu hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách và các đối tượng khác có liên quan./.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *