Xu Hướng 3/2023 # Tản Mạn Cỗ Chay Xứ Huế # Top 7 View | Apim.edu.vn

Xu Hướng 3/2023 # Tản Mạn Cỗ Chay Xứ Huế # Top 7 View

Bạn đang xem bài viết Tản Mạn Cỗ Chay Xứ Huế được cập nhật mới nhất trên website Apim.edu.vn. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất.

Ăn chay là hiện tượng phổ biến ở Huế bởi nơi đây vốn là trung tâm Phật giáo của cả nước và có gần hai phần ba dân cư là Phật tử tại gia. Người Huế định ngày ăn chay trong tháng gọi là trai kỳ, có thể là nhị trai, tứ trai, thất trai, thập trai hay trường trai. Cho nên không lấy làm lạ khi cứ ngày Rằm hay mồng Một hàng loạt hàng quán ven những con đường thơ mộng bỗng trở nên chay tịnh! Vào mấy ngày này bạn có thể thưởng thức một món chay bình dân như bún trộn khô, bún nước, bánh lọc, bánh canh, cháo nấm… ở bất kỳ nơi đâu. Tuy nhiên, để được “tận mục sở thị” cái trình độ điệu nghệ và sự thăng hoa của các món chay xứ Huế bạn phải tham dự một buổi tiệc chay đúng nghĩa vào dịp kỵ giỗ hoặc ngày lễ lớn của đạo Phật.

Rằm tháng Bảy vừa rồi (2013) tôi được tham dự lễ cúng nhân ngày Vu Lan tại gia đình một người bạn Huế. Dù đã quen với những dịp “cúng kiếng” ở vùng đất Cố đô song tôi vẫn ngỡ ngàng bởi buổi lễ diễn ra trang trọng và rất lớn. Tất nhiên “trang trọng và lớn” không phải vì mâm cao cỗ đầy sơn hào hải vị mà là cách thức con cháu bày tỏ tấm lòng thành kính với tổ tiên. Trước ban thờ nghi ngút khói hương trầm thơm ngát, vị cao tăng trên chùa tuyên sớ trong tiếng nhạc lễ réo rắt như nghi thức chốn cung đình. Đặc biệt, đồ lễ hôm đó ngoài hoa quả, tiền vàng, đồ mã, gia chủ làm tiệc chay hoàn toàn, tuy thanh đạm nhưng tinh tế, thịnh soạn và mang nhiều ý nghĩa.

Người phụ nữ Huế nói rằng làm một bữa tiệc mặn khó một thì làm tiệc chay khó mười! Bạn thử nghĩ xem, một bàn tiệc mặn thông thường có gì? thịt gà, thịt heo, cá, giò, chả… thì cỗ tiệc chay cũng phải có những món như thế nhưng phải chế biến từ các nguyên liệu phi động vật, nghĩa là chỉ bằng bột mì, mè, đậu, bột lọc, mít non, chuối xanh cùng các loại củ quả khác… Cho nên làm cỗ chay thực ra là một quá trình tạo hình nghệ thuật và phù phép màu sắc, hương vị cho món ăn. Chỉ người đầu bếp có tâm hồn nghệ sĩ và tài năng, khéo léo như ảo thuật gia mới có thể làm ra một mâm cỗ chay hoàn hảo.

Với sự chuẩn bị nguyên liệu công phu, tỉ mỉ, mỗi thứ một chút… người đầu bếp có thể tạo ra vô vàn món ăn nào là chả quế, giò lụa, sườn heo chiên, cá chiên, gà xé bóp rồi nem rán… gợi lên cả hình dáng, màu sắc và hương vị như chính tên gọi mặn trần tục của nó.

Từ trái mít non hoặc quả chuối xứ còn trong búp, luộc nhừ xé nhỏ trắng muốt, trộn thêm rau răm, tiêu, ớt, chanh đã có đĩa “thịt gà xé bóp” đậm đà mùi vị. Còn món sườn heo ram lại là tác phẩm chế biến từ khoai lang và đậu xanh! Người ta thái khoai lang thành miếng bằng cỡ ngón tay rồi chiên vàng giả làm vì sườn heo. Đậu xanh đãi vỏ đồ chín, đánh nhuyễn, nêm thêm xì dầu, đường, tiêu, muối trộn đều giả làm thịt heo. Sau đó xếp mấy miếng khoai vào giữa hai lớp bột đậu đã được cán ra khay. Dùng tay ấn nhẹ từng chút, từng chút một cho ba lớp nguyên liệu dính chặt vào nhau rồi cho vào chảo dầu chiên vàng lần nữa. Nhìn từng miếng sườn heo vàng suộm trên lớp rau sống trong dĩa không khác gì miếng sườn heo thật khiến không ít người ngỡ ngàng mà quên đụng đũa.

Hay món chả làm từ khoai tía cũng công phu và sáng tạo vô cùng. Khoai tía nạo ra đánh nhuyễn rồi ướp với boa – rô băm nhỏ, muối, tiêu, xì dầu. Khéo léo viên lại từng miếng tròn dẹp như lát chả rồi chiên vàng. Món này được dọn lên với một chén nước tương kho chế biến từ dầu ăn, tương đậu nành xay và một chút đường được cô đặc trên lửa than… tạo nên mùi vị ngậy, béo thật dễ chịu và khó quên… Xa xa trên mâm tiệc, một đĩa cá trê chiên vàng nâu cánh gián nhưng không thể ngờ rằng đó là tác phẩm từ quả cà tím tẩm gia vị chiên dầu.

Mâm cỗ còn thịnh soạn hơn với các loại bánh lọc, bánh nậm. Chất bột thì giống với bánh mặn, chỉ khác ở chỗ nhân chay. Mỗi loại bánh có hương vị riêng không lẫn với nhau và ngọn tuyệt.

Dẫu không thể kể hết ra đây sự phong phú của các món ăn thường thấy trong mâm cỗ chay xứ Huế, song tựu chung lại có thể thấy món nào cũng đẹp, ngon không kém gì nem công chả phụng! Quả thực mâm cỗ chay đã khẳng định thêm rằng đối với người Huế thì “đồ ăn không phải cứ hễ cá thịt thì ngon, mà dưa rau thì dở”. Ngược lại, từ những nguyên liệu bình dị, dễ tìm chốn bình dân, qua sự sáng tạo tuyệt vời, phối trộn tài tình mà người phụ nữ Huế đã tạo ra những món chay đạt đến một trình độ nghệ thuật hiếm thấy. Nghệ thuật từ sự hài hòa màu sắc, hương vị và cách trình bày trên bàn tiệc đến sự thể hiện triết lý sống của con người chốn đến kinh một thời rất nhẹ nhàng, thanh cao, tuy nghèo mà sang trọng.

Có thể nói rằng trong bức tranh ẩm thực Huế nói chung, món chay và món mặn tạo nên thế cân bằng với nhau như một cặp tự tình “sông – núi” đến kỳ lạ. Người ta “thương” ẩm thực mặn của Huế bao nhiêu thì càng ngỡ ngàng và thán phục về độ tài tình của ẩm thực chay bấy nhiêu. Tuy nhiên, có lẽ ít ai biết rằng ẩm thực chay Huế từ những món bình dân đến món dọn trên mâm cỗ còn mang ý nghĩa nhân sinh và là nơi con người gửi gắm hạnh nguyện đến với đất trời, tổ tiên.

Trước hết, người Huế nấu cỗ chay là để thể hiện lòng kính trọng đối với ông bà tổ tiên. Quá trình chuẩn bị làm cỗ tuy không tốn kém về mặt tiền bạc nhưng công phu, tỉ mỉ. Thông qua quá trình chế biến những món ăn thanh đạm người Huế muốn gửi gắm tâm tư, tình cảm và làm trọn đức nhân, đức nghĩa ở đời.

Ngoài ra, nấu chay, ăn chay đối với họ còn để hướng tính thiện. Tôi được biết, nhiều gia đình Huế chưa một lần dám mua con gà, con vịt còn sống về nhà tự làm thịt bao giờ vì hợ sợ phải kết thúc một sự sống sẽ gây nên nghiệp chướng. Vì vậy, nấu và ăn các món có nguồn gốc thực vật là cách họ thể hiện lòng trân trọng sự sống, loại bỏ tham, sân, si, nuôi dưỡng tâm hồn, giúp lòng thư thái, hòa vào thiên nhiên đất trời. Cho nên, người Huế ăn chay không chỉ để đổi thực đơn hay khẩu vị mà còn để dưỡng tâm tính, một lòng hướng Phật. Quả là như nhiều người chiêm nghiệm:

“Tình thương trải rộng đất trời Sống bằng chay tịnh hóa đời thanh cao”

Hơn nữa, đối với người Huế nấu chay và ăn chay còn để cầu bình an cho tổ tiên, cha mẹ hay siêu độ khi tiên tổ và cha mẹ không còn nữa. Đó là việc làm thể hiện đạo Hiếu rất thiết thực, giản dị, không phô trương mà mang ý nghĩa tâm linh rất lớn. Các gia đình Huế vào những dịp kỵ, giỗ hay lễ trọng thường làm cỗ chay dâng cúng. Ngay cả dịp Tết, khác với các vùng miền trên cả nước có rất nhiều đặc sản thịt, cá thì nhiều gia đình Huế vẫn làm cỗ chay với ý niệm cầu cho hương linh tổ tiên sớm siêu sinh tịnh độ và mong con cháu cũng gặp điều may mắn, bình an. Nét văn hóa độc đáo này có lẽ chỉ riêng có trên đất Huế – Thần kinh!

Từ bao đời nay, “Sông Hương – Núi Ngự”, “mè xửng” rồi “bún bò giò heo” hay cả những món ăn chay nữa đã trở thành đặc sản của Huế – Một vùng đất của cung vàng điện ngọc và chùa chiền cổ kính. Lữ khách muôn phương đến Huế thưởng ngoạn cảnh sắc mây trời thơ mộng và “thời” một món chay trên mâm cỗ là thêm một lần trải nghiệm chất nghệ sĩ tài hoa của người Huế; thêm một lần “tìm lối vào cõi thiện, cõi tâm linh” siêu thoát để rồi sống tốt hơn, đẹp hơn giữa cuộc đời.

N-Phú Xuân

Tản Mạn: Nguồn Gốc Và Hiện Trạng Tục Cúng Dâng Sao Giải Hạn Hiện Nay

TẢN MẠN:

Nguồn gốc và hiện trạng tục cúng dâng sao giải hạn hiện nay và có nên cấm hay không???

1. Nguồn gốc và hiện trạng tục cúng dâng sao giải hạn hiện nay

Không ai biết chính xác thời điểm ra đời của nghi lễ dâng sao giải hạn, chỉ biết nguồn gốc cúng dâng sao giải hạn là một tập tục từ Đạo Giáo – Trung Hoa khoảng thế kỷ thứ 14 (có được nói đến trong Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung). Theo thuyết Ngũ hành, con người sống và chịu ảnh hưởng, tác động của vũ trụ, mỗi cá nhân thuộc về một không gian riêng, hàng năm mỗi người đều bị một vì sao chiếu mạng vào ứng với tuổi của từng người.

Có nhiều học thuyết quay xung quanh quan điểm này như thuyết Âm – Dương; Bát quái … từ đó phát triển thành các thuật pháp tiên đoán (bói toán) dùng để đưa ra các dự đoán có tác động đến con người được coi như tiền định (số phận) trong khoảng thời gian (niên hạn) nhất định như Kinh dịch, Tử vi, Phong thuỷ …

Xuất phát điểm, Đạo Giáo Trung Quốc chỉ có 7 sao (thất tinh) gồm: Mộc Đức, Vân Hán, Thái Bạch, Thuỷ Diệu, Thổ Tú, Thái Dương, Thái Âm được tôn xưng là thần và được gọi là Tinh quân và con người muốn hoá đổi vận mệnh phải cúng các sao này. Khi truyền bá sang Việt Nam, Người Việt sáng tạo thêm 2 sao là La Hầu và Kế Đô nữa thành Cửu tinh. [Tóm tắt tài liệu của Dương thị Anh: về hiện tượng cúng dâng sao giải hạn]

Trong nhận thức dân gian Việt Nam thì có 3 sao ẩn chứa hung tinh là Thái Bạch: chủ sự Tiêu tán tài sản, cháy sạch cửa nhà; La Hầu (nặng hơn với nam giới) và Kế Đô (nặng hơn với nữ giới) chủ sự những điều đau ốm, bệnh tật, không may mắn cho những người có năm phạm phải sao này.

Nguyên gốc, việc cúng lễ được thực hiện tại các đạo quán của Đạo giáo do các pháp sư (thầy cúng) thực hiện tại các cung thờ Tử vi Đại đế. Lễ vật chủ đạo gồm bánh kẹo, hoa quả, tiền vàng (vàng mã) không cúng mặn (pháp sư cấm sát sinh), hình nhân thế mạng; Pháp sư mặc trang phục tượng trưng của Tử vi Đại đế (hoặc áo đạo sĩ) để làm các nghi lễ phép thuật như: múa kiếm gỗ (gọi là kiếm Thất tinh), dùng nước phép vẩy lên mọi người và cầm Bài y lệnh chiếu vào mặt người có sao xấu …

Ở Việt Nam hiện nay, Tử Vi Đại đế (Chí tôn Bắc cực Tử vi Trường sinh Đại đế) được coi là Vua cha Thiên phủ của đạo Mẫu Việt Nam – Hoàng Thiên Tiên Thánh Giáo, là vua cha của Cửu Trùng Thiên Thánh mẫu, quản cai hết bầu trời tinh tượng, hết Tiên Thánh Thần linh trên Thiên phủ, Ngài truyền trao Thiên phủ bầu trời cho Mẫu Cửu trùng coi sóc và quản lí … và nếu theo tín ngưỡng thì việc dâng sao giải hạn phải được thực hiện tại các phủ, đền, đình, miếu, quán (nơi thờ thánh – thần) theo đúng nghi lễ riêng chứ không phải được thực hiện tại các chùa (thờ Phật) và do tăng ni thực hiện theo hình thức tụng kinh gõ mõ trong trang phục của đạo Phật.

Việc tổ chức dâng sao giải hạn trong chùa, do tăng ni thực hiện về bản chất là trái với đạo lý nhân quả của đạo Phật, thậm chí một số cao tăng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn coi việc dâng sao giải hạn là mê tín. Tuy nhiên, cúng sao giải hạn lại là một trong những hình thức phương tiện mà các chùa Phật giáo vận dụng để đưa chúng sinh đến gần với Phật pháp, việc này có thể xuất phát cùng với cải cách tôn giáo thời nhà Lý , cực thịnh thời nhà Trần với thuyết Tam giáo đồng nguyên (Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo) khi mà các thánh thần cùng được đưa vào thờ phụng khuôn viên nhà chùa.

Khi vận dụng nghi thức cúng sao giải hạn của Đạo giáo, các thầy chủ lễ là tăng ni không sử dụng nghi thức Đạo giáo mà thay vào đó là tụng kinh, sử dụng các nghi thức của Phật giáo và / hoặc cúng theo bài của Đạo giáo. Theo đúng nghi lễ nhà Phật, hàng năm nhà chùa chỉ tổ chức các khoá lễ cúng cầu bình an cho phật tử có ý nghĩa tương tự như dâng sao giải hạn

2. Có nên cấm dâng sao giải hạn???

Tục dâng sao giải hạn được nói đến từ nhiều năm gần đây nhưng từ sau “sự kiện” không nhận giải hạn do thiếu 50k ở chùa Phúc Khánh đã đẩy sự việc đến cao trào và làn sóng dư luận đả phá, coi là mê tín dị đoan, thậm chí nhiều sư tăng đức cao vọng trong trong giáo hội Phật giáo VN cũng đăng đàn trả lời báo chí thể hiện không đồng tình việc cúng dâng sao giải hạn trong chùa và không thừa nhận đây là nghi lễ nhà Phật.

Vậy phải nhìn nhận sự việc này thế nào? Theo quan điểm của tôi sau khi tìm hiểu nguồn gốc của tục cúng sao giải hạn xin có một số nhận xét như sau:

Nếu thuyết “Tam giáo đồng nguyên” đã được chấp nhận, tam phủ, tứ phủ, thánh nhân được thờ cúng trong chùa thì nhà chùa cũng có thể là nơi tổ chức cúng dâng sao giải hạn được, tuy nhiên nghi lễ, nghi thức, y phục … khi hành lễ không thể trùng nhau và phải được thực hiện ở các ban thờ khác nhau.

Cúng sao giải hạn lại là một trong những hình thức phương tiện mà các chùa Phật giáo sử dụng để đưa chúng sinh đến gần với Phật pháp, nói cách khác là một cơ hội đưa giáo lý nhà Phật tiếp cận song song với phong tục địa phương để từ đó có cơ hội cảm hóa người dân thành Phật tử.

Nhà chùa với việc gõ mõ tụng kinh chỉ nên nhận cúng cầu an đúng theo nghi lễ nhà Phật, còn cúng giải hạn phải do đạo sĩ hành lễ tránh hiểu nhầm hai trong một vì một người tu hành không thể ngộ (đắc đạo) đồng thời hai thuyết tâm linh của Phật giáo và Đạo giáo vốn dĩ không cùng triết lý.

Nếu để ý chúng ta sẽ thấy việc phổ cập Phật giáo đang được âm thầm thực hiện một cách có hệ thống và bài bản khi mà trong các bài cúng gia tiên, cúng ngày rằm, mùng một … (là đạo thờ gia tiên ngàn đời của người Việt) được in sẵn đều bắt đầu và kết thúc là 3 câu niệm Phật. Người không am hiểu sẽ niệm Phật một cách vô thức trong khi chả hiểu có ý nghĩa gì??? Hay như việc khi đi chùa trong các dịp lễ tết thường khấn cầu đủ thứ trong khi giáo lý nhà Phật là thuyết nhân quả, tức là ở hiền gặp lành, hay muốn có sức khỏe thì phải giữ gìn, không ăn uống sinh hoạt vô độ rồi cứ đến chùa mà đến cầu xin là được …

Người Việt chủ yếu theo đạo Gia tiên (tập tục thờ cúng người đã chết), Đạo giáo xâm nhập vào Việt Nam cùng với các thời kỳ Bắc thuộc có từ rất lâu so với sự xuất hiện của Phật giáo, cùng với đó là các thuật pháp tiên đoán (bói toán) dùng để đưa ra các dự đoán có tác động đến con người được coi như tiền định (số phận) trong khoảng thời gian (niên hạn) nhất định như Kinh dịch, Tử vi, Phong thuỷ … các thủ tục tín ngưỡng được dị bản như đốt vàng mã, hình nhân thế mạng … từ đó mà hình thành gần như đã được chấp nhận một cách đương nhiên trong dân gian.

Vậy nếu xã hội đã chấp nhận Hầu đồng, hát văn là di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận; các đền, đình, miếu, mạo, am, quán thờ thánh thần là cơ sở tôn giáo thì sao lại không chấp nhận các nghi lễ tôn giáo (trong đó có cúng dâng sao giải hạn) của Đạo giáo …

Nhà nước sẽ không cấm vì quyền tự do tín ngưỡng (tương tự như không cấm đốt vàng mã mà chỉ tuyên truyền về nhận thức) mà chỉ Giáo hội Phật giáo Việt Nam được quyền không cho phép nhà chùa tổ chức cúng dâng sao giải hạn hoặc phải tuyên truyền rõ các nghi lễ là tách biệt, hướng dẫn cho sư tăng không được thực hành nghi lễ ngoại đạo hoặc nếu thực hành thì phải kèm theo những điều kiện gì.

Còn việc coi cúng giải hạn là nghi lễ tín ngưỡng hay quy là mê tín dị đoan là điều không có căn cứ vì vốn dĩ tôn giáo (Đạo giáo và Phật giáo …) được hình thành và phát triển trên triết lý Duy tâm, không trên cơ sở thuyết Duy vật biện chứng.

Ngô Gia Cường – Tổng hợp phân tích

Phong Tục Ma Chay Của Người Huế

Bài viết của Trần Như Lãm

“Sinh hữu hạn tử vô kỳ”. Có sanh ắt có tử. Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của tạo hóa. Phong tục ma chay của nhiều địa phương trên địa bàn Thừa Thiên Huế tuy có nhiều nét khác nhau nhưng vẫn giống nhau ở những điểm cơ bản.

Khi có người qua đời, nếu chết ở đường xa, quan tài không đem vào nhà, mà làm tang ở ngã ba đường cái. Nếu qua đời trong sự bình thường, quan tài thường được quàng ở nhà lớn. Tùy theo địa vị trong gia đình quàng ở căn giữa, căn trên hay căn dưới. Người ta truyền miệng cho nhau trong làng cùng biết. “Nhất cận thân, nhì cận lân”, bà con lối xóm tập trung đông đúc, người làm rạp, người trang hoàng, người tẩm liệm. Công việc rộn rịp trong ngày đầu. Từ chết không ai được dùng đến, mà gọi là mất. Người vừa mất được đặt trên cái giường quay đầu ra ngoài sân. Cơm gối đầu: Liền sau khi mất, người nhà đơm một chén cơm đầy vung, chén cơm để một cái trứng vịt đã lột vỏ và cấm vào chén cơm đôi đũa tre, trên đầu đũa có vót cho tre quấn lại thành cái bông, rồi để chén cơm ấy phía trên đầu người chết.

Quan tài (hòm) được trét đất sét phía trong, đất nhào thật nhuyễn với nước cơm (hồ) trát đầy phía trong, ở các góc và các kẽ hở. Dùng lá chuối xanh dán vào lớp đất, lót ở trong đáy hòm nhiều mạc cưa, mun (tro bếp) phòng hờ nhiều năm sau, có thể cải táng mà nhận dạng.

Khi làm lễ hạ thổ thi thể đàn ông đưa lên đưa xuống đất 7 lần (7 vía), đàn bà 9 lần (9 vía). Nói như vậy nhưng mục đích là để khí dương trong thân thể người chết thoát hết vào đất. Sau khi đặt thi thể người chết vào quan tài, phủ đất kín mít. Đậy nắp quan tài cũng phải coi giờ tốt. Dùng dây mây hoặc tre dài làm dây néo ở hai đầu quan tài thật chắc (hơi trong quan tài mạnh có thể làm bật nắp quan tài). Quan tài đặt trên hai ghế ngắn. Chân ghế có cột vải tẩm dầu hỏa để phòng ngừa kiến leo lên. Dưới quan tài đặt một dĩa đèn dầu phụng thắp sáng ngày đêm, mục địch hơi dầu phụng thơm, xông lên đánh tan mùi tử khí. Vì vậy, lúc bốc mộ dùng dầu phụng bôi vào mũi tay chân tránh được mùi xú uế, mùi tử khí. Các thứ dầu Nhị thiên đường, dầu thêm đến mức nào cũng không ngăn được loại mùi chết đó!…Ngoài hòm trang trí các hoa văn, cánh sen hoặc sơn phết cho đẹp, còn phủ lên trên hòm vải trắng có “đăng ten”, bấy giờ hòm gọi là linh cữu. Trước linh cữu có bàn soạn thiết trí linh vị có ảnh, chúng ta thường gọi là linh sàn. Trước linh sàn, đôi khi có nhà đặt bàn Phật, có nhà lập bàn Phật xây qua hướng khác.

Chùa có sắn cây triện, lên đó mượn, rồi viết lên một miếng vải hoặc giấy ghi tên tuổi làng xã… người mất. Chữ viết trên triện phải theo quy luật:

Người chết là nam, tổng số chữ viết trên triện chia cho 4, còn lẽ ba (quỹ, khóc, linh). Người chết là nữ, chữ trên triện chia cho 4 là chẵn (quỹ, khóc, linh, thính). Viết xong treo trước quan tài. Không có lá triện là “ma chết không triện” nên phải có.

Đám ma ở làng, nhà giàu thường mời thầy chùa, thầy pháp, nếu không, nhờ khuông hội Phật giáo làng cúng kiến tụng kinh. Chương trình tang lễ được đặt ra tùy theo xem được ngày giờ chôn cất. Nếu không coi ngày giờ, nội trong ba ngày là phải chôn cất: “Tam nhật nội chi nội bất khán lịch nhật”. Người chết gặp lúc cận Tết phải chôn cất vào ngày 30 tháng Chạp, không được để sang năm mới.

Sau khi lập liệm xong, trang hoàng nhà cửa tươm tất rồi làm lễ thành thục. Lễ thành thục là lễ chịu tang, con cháu nội ngoại, dâu, rễ, chắt chiu họp lại bịt khăn tang. Ai cũng dùng sắc phục màu trắng; riêng chắt nội mặc áo và bịt khăn màu đỏ, chắc ngoại mặc áo và bịt khăn màu vàng.

Lễ thành phục xong, con trai, cháu nội đích tôn đội mũ rơm, chống gậy tre (nếu ông nội hoặc cha mất), gậy vông (nếu bà nội hoặc mẹ mất). Phụ nữ là con, vợ, dâu trùm vải lên đẩu gọi là mũ mấn. Quanh quẩn bên quan tài không được lớn tiếng và ngồi ăn uống với khách đến viếng thăm, chỉ được phép đứng. Trước lúc làm lễ thành phục phải có cau trầu rượu thưa chuyện và mời một vị làm chấp lệnh nội (thường là các vị trưởng Họ, Phái; nếu gia đình neo đơn phải mượn người lớn tuổi quen biết). Ông chấp lệnh là người điều hành tang lễ trong suốt thời gian tang chế. Mọi người trong hàng tang chủ phải tuyệt đối chấp hành, trình bày với “quan” chấp lệnh vì “tang gia bối rối” nên không sáng suốt để điều hành công việc. Tập quán làng hễ có người qua đời, việc đầu tiên là đến thăm hỏi, sau đó ngày khác phúng điếu. Lễ vật cúng điếu là hương (nhang) và tiền (không nhiều). Đây là nghĩa vụ của người dân hương thôn gọi là “thù tạc vãng lai” (có qua có lại). Nếu là sui gia, Họ, Phái, tổ chức tập thể phải có thêm mâm cau trầu rượu. Lệnh kiểng để làm lễ có phân loại: -Ba hồi lệnh và ba đùi (tiếng) dành cho các đơn vị lớn hơn như Làng, Họ, Phái, Xóm -Một hồi lệnh và ba đùi (tiếng) dành cho thông gia hoặc ai có mâm cau trầu rượu -Ba đùi (tiếng) là tình làng nghĩa xóm. Nghe tiếng lệnh là phân biệt được ai đang phúng điếu.

Trước ngày đưa đám có lễ cúng như: yết cáo từ đường (trình với tổ tiên ngày mai đến ở chỗ mới), triêu điện (lễ buổi sáng), tịch điện (lễ buổi tối). Đêm trước ngày mai đưa linh cữu về nơi an nghỉ cuối cùng có lễ nhiễu quan. Lễ nhiễu quan là lễ đi quanh hòm, để tỏ sự luyến tiếc lần cuối đối với người chết.

Lễ cáo đạo lộ là lễ trình xin đường với thần giữ đường ngày mai đưa đám, đặt bàn có hương hoa và cáo ở đường lộ gần nhà (lễ này cáo ban đêm, chủ lễ là người không bịt khăn tang). Sáng ngày di quan có lễ khiển điện và lễ triệt linh sàng.

Âm công: Trước vài ngày, tang quyến lên danh sách mời một số trợ tang để đưa linh cữu ra đồng (nghĩa trang). Bộ phận trợ tang này gồm rất nhiều người: 1 “quan” Chấp lệnh ngoại 1 “quan” Quản áp (cai giang) 1 ông giàn đồ thứ (người phân công việc) 4 vị đầu roi 50 âm công

Nếu có nhiều trướng liễn, lẵng hoa, vòng hoa…phúng điếu, số người tăng lên, tổng cộng gần cả trăm người. Những vị này có thể nhờ những người trong Họ, Phái và bà con xóm giềng. Lệ làng không nhận thù lao. Thông thường tang quyến dù giàu hay nghèo đều có tổ chức ăn uống. Có thể dùng bữa trước khi di quan hoặc sau khi chôn cất xong. Sau khi chôn cất xong, về nhà làm lễ “phản khóc” (hết khóc) là công việc đã xong, có thể ăn uống giải lao.

Giàn đám Trước một ngày đưa đám, mọi người tập trung làm mọi công việc. Cánh đàn ông đi khuân vác giàn đám về kết. Giàn đám làm bằng gỗ tốt, có hai đòn bông to dài, đà chịu lực, nhiều xà bang và một khung gỗ hình chữ nhật, trang hoàng lộng lẫy để che quan tài. Quan tài được đặt bàn chính giữa bàn đám, chung quanh gồm 8 hoặc 10 bụp (chỗ âm công gánh). Người trước cách người sau nửa bước chân, nên khi gánh đám không thể đi nhanh vì sợ vấp chân người trước. Vì vậy phải đi chậm rãi “như đưa đám mệ”. Nhìn từ xa như con rết khổng lồ chuyển động.

Di quan: Ban âm công gồm: 1 Cai giang thắt lưng màu đỏ, cầm hai cây đèn sáp lớn và một cặp sanh (trắc) 4 ông Đầu roi thắt lưng màu trắng, cầm một cây đèn sáp nhỏ và một cây cờ nheo (cờ ba cạnh) 16 âm công hoặc nhiều hơn cầm mỗi người một cây đèn sáp nhỏ, áo dài đen quần dài trắng

Sau khi nghe gióng lệnh kiểng của ông chấp lệnh, ông Cai Giang đánh ba hồi trắc và ba tiếng báo hiệu giờ di quan bắt đầu. Ban âm công sắp một hàng dài trước sân theo thứ tự như trên, đi vào nhà, vòng quanh quan tài một vòng (theo chiều kim đồng hồ) rồi ra sân, mục đích quan sát trước chỗ đặt quan tài để khi di quan khỏi bỡ ngỡ. Lúc này gia chủ để một mâm cau trầu và tiền bạc trên chiếc bàn đặt trước linh cữu gọi là lễ bái quan. Sau khi bái quan, âm công nhận lễ vật này.

Ra đến sân, âm công thắp tất cả đèn sáp (vẫn giữ một hàng dọc và thứ tự như trước). Từ đó, Cai Giang cất cặp sanh, im lặng ra lệnh bằng đèn sáp, không ra lệnh bằng tiếng. Cai Giang dẫn đầu đoàn âm công đi năm bảy vòng (theo chiều kim đồng hồ) trong sân như rắn bò (liên xà). Sau cùng, một vòng lớn rồi tiến thẳng vào nhà đến trước quan tài. Cai Giang dừng lại trước quan tài. Đoàn âm công tiếp tục rẽ phải, rẽ trái chia làm hai hàng đi ra; dẫn đầu mỗi hàng là một ông Đầu roi.

Cai Giang bấy giờ đứng trước mặt bốn hàng âm công. Đứng đầu mỗi hàng là một ông Đầu roi, đồng làm lễ bái quan một lạy. Tang chủ đứng hai bên linh cữu lạy ra một lạy (lạy trả). Bái quan xong, hai hàng âm công ở giữa quay đằng sau mà bước tới (đi ra) để chắp vào đuôi của hai hàng ở hai bên, làm thành hai hàng dài, đầu đầu và đầu đuôi của một hàng có một ông đầu roi. Cai Giang bấy giơ giơ cao đèn sáp ra lệnh hàng bên phải, hàng bên trái vào đứng hai bên quan tài để di quan.

Quan tài vừa ra khỏi nhà, một người ở trong nhà dùng tấm ngói hoặc om đất, dĩa đất ném mạnh xuống đất tạo ra tiếng động lớn “choảng” sau đó rút một tấm tồn trên mái nhà hoặc rạp, mục đích để hồn ma đi ra không vương vấn lại nhà. Quan tài ra đến sân, tất cả đoàn âm công đều tắt đèn. Cai Giang dùng trắc và tiếng hô để ra lệnh âm công đưa quan tài vào bàn địa dư (bàn để linh cữu). Bốn góc quan tài có bốn ông Đầu roi giúp Cai Giang ra lệnh nâng góc quan tài lên hay hạ xuống hoặc chuyển lệnh của Cai Giang đến âm công.

Trước khi khởi hành, Cai Giang thường báo cho âm công biết lộ trình đến huyệt mả xa gần, dễ đi hay trắc trở khó khăn, khuyên cố gắng bình tĩnh. Lệnh ra dõng dạc và nghiêm, thường dùng các từ sau đây: “Tiền hậu bơi hai đốc (âm công dạ…)”. Dãy trong cho chí dãy ngoài, tất cả nghe cho rõ, nghe cho lọt trắc. Gõ nhịp dắp hai tiếng trắc là đi. Gõ một tiếng là đứng lại. Bốn góc có bốn ông Đầu roi trợ giúp. Cho một lớp eo mà eo giả, eo thật. Không xách, không nhún, khom lưng, chống đầu gối, tay bóp nài. Cho một lớp vai. Đi chậm chậm, rà chân. Cai Giang tùy ý điều khiển, sắp xếp hiệu lệnh. Nghề này không có sách vở dạy, miễn sao âm công gánh cho đầm, hạ huyệt cho êm là nhiệm vụ chính của Cai Giang. Đưa đám ra đồng đi xa hay gần đều phải gánh bộ. Đoàn người tiễn đưa rất đông. Nếu đường xa phải thay đổi lớp âm công dự bị gánh. Linh cữu ngang qua các nhà thờ lớn, đình chùa, miếu, Cai Giang cho dừng lại, ra lệnh ra vai xuống eo để tỏ sự tôn kính. Qua khỏi, mới lên vai đi tiếp. Người trợ tang dùng lọng che phần cổng của am miếu cho đến khi linh cữu qua hết mới cất đi. Việc di quan từ trong nhà ra xe là quan trọng, nhộn nhịp, người nào cũng khẩn trương. Người đi xem nô nức như xem hội múa hoa đăng.

Tế đạo trung: Đi được nửa đường làm lễ tế đạo trung, cũng là dịp để âm công nghỉ ngơi. Thân bằng quyến thuộc ai chưa đi điếu được, đây cũng là dịp để phúng điếu vì sau khi chôn cất xong không được đi điếu nữa.

Hạ khoáng – hạ huyệt Huyệt đào chôn phải thâm thổ 3 tấc đất, nghĩa là đến lớp đất nguyên sơ (mặt đất cũ) phải đào sâu thêm ba tấc nữa (30cm). Vì chôn trên cao, xương bị khô; chôn quá sâu, xương bị mục. Chôn sâu ba tấc đất là đủ khí âm dương, là tốt. Trước khi hạ huyệt, có lễ trị huyệt để đuổi tà ma ẩn núp trong huyệt.

Lễ tạ thổ thần ở nghĩa địa: Chôn xong, làm lễ tạ thổ thần tại mả gồm bông hoa, bộ áo thổ thần. Chủ lễ là người không bịt khăn tang.

Mở cửa mả: Ba ngày sau, tính từ ngày đưa linh cữu ra đồng, làm lễ mở cửa mả để linh hồn người chết về với gia đình nhờ rải giấy vàng trên mỗi đoạn đường từ nhà đến huyệt mả trong ngày đưa linh cữu ra nghĩa trang nên linh hồn người chết biết được đường về nhà khi mở cửa mả. Làm lễ mở cửa mả là thầy cúng dùng con dao vạch lên phía chân nấm mả ba đường dọc và đọc thần chú (mỗi lần vạch dao là đọc một câu thần chú). -Nhất trung, khai môn mộ, hung thần tốc xuất; -Nhị tả, khai môn mộ, vong giả an cư; -Tam hữu, khai môn mộ, gia phước an khang. Dịch nghĩa: -Một vạch ở giữa, mở cửa mả thần hung dữ phải ra mau. -Vạch thứ hai phía trái, mở cửa mả, người mất ở yên ổn. – Vạch thứ hai phía phải, mở cửa mả, gia đình được phước yên lành.

.

(Nguồn: khamphahue.com)

.

.

Múa Lục Cúng Hoa Đăng, Một Loại Hình Âm Nhạc Đặc Sắc Của Phật Giáo Xứ Huế

Thời còn tại thế, đức Phật thường dùng Già đà (Giàthà: kệ tụng) để trình bày giáo pháp. Già đà cũng là một trong những thể loại ban đầu của nền âm nhạc Ấn Độ. Nhờ vào tính chất du dương, giàu giai điệu của ngôn ngữ Phạn và thể loại kệ tụng này, mà từ đó giáo pháp được dễ dàng tiếp nhận, dễ nhớ và dần dần thấm sâu vào lòng người, có khả năng chuyển hóa vi diệu.

Cũng sau những buổi thuyết pháp của Đức Phật, các kinh điển thường ghi lại những cảnh tượng diễm lệ, huy hoàng, thiêng liêng khi chư Thiên khắp trời giăng lưới châu, rải tràng hoa, trổi kỹ nhạc để xưng tán, ca ngợi Đức Phật, giáo pháp và thánh chúng. Trong quá trình hoằng pháp lợi sanh, lịch đại chư Tổ đều kế thừa, phát huy nguồn âm nhạc thiền vị ấy để tự thăng hoa đời sống tâm linh và lấy đó làm phương tiện quyền xảo để đưa mọi người trở về với kho tàng chánh pháp. Có thể nói, âm nhạc luôn là một tố chất không thể thiếu trong suốt lịch sử 2548 năm tồn tại và phát triển của Phật giáo.

Lục Cúng là một thể loại của âm nhạc Phật giáo. Khi đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, vũ khúc Lục Cúng là một loại hình âm nhạc đặc thù của Phật giáo xứ Huế.

I. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA VŨ KHÚC LỤC CÚNG

Lục Cúng có nghĩa là sáu lần cúng. Tương ứng với mỗi lần cúng là một trong sáu lễ vật cúng dường: hoa, hương, đèn, trà, quả, nhạc. Mục đích của Lục Cúng là nhằm cúng dường chư Phật. Trước hết là tưởng nhớ ân sâu hóa độ của Đức Phật và qua đó, là thực hành hạnh phụng sự chúng sanh, truyền bá chánh pháp. Theo Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, vũ khúc Lục Cúng có từ thời cổ, do các vị sư Ấn Độ truyền vào nước ta. Hằng năm khi vụ mùa được bội thu, tại các chùa lớn thuộc các hạt Thuận Thành, Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Thường Tín – các nơi thờ Phật Tứ Pháp – những lúc có tổ chức các lễ lớn đều biểu diễn vũ khúc này để dâng hương, hoa, đèn, trà, quả, thực lên Tam Bảo. Vũ khúc Lục Cúng có được truyền bá rộng rãi hay không và đã được du nhập vào xứ Đàng Trong trước đó và kinh đô Phú Xuân sau này như thế nào? Đến nay, chưa thấy tài liệu nào ghi lại. Các vị Tăng am tường và đã từng trình diễn về vũ khúc này hiện còn sống tại cố đô Huế cũng chỉ biết vũ khúc Lục Cúng là do chư Tổ truyền lại. Đồng thời, trong các thế hệ Thầy Tổ của Phật giáo xứ Huế đều có nhiều vị rất giỏi và điêu luyện về vũ khúc này.

Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Trong nhã nhạc cung đình Huế, vũ khúc Lục Cúng chính được bắt nguồn từ âm nhạc Phật giáo. Tác phẩm “Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam” cho biết đến đời Minh Mệnh (1820 – 1840), vua sai viện Hàn Lâm học tập, tiếp nhận và sửa lại vũ khúc này. Cái tên Lục Cúng Hoa Đăng chính thức có từ thời ấy. Như vậy, Lục Cúng Hoa Đăng từ tính chất vốn có của nó là một loại hình âm nhạc tôn giáo có khi đã được tiếp thu và cải biên thành một loại hình âm nhạc cung đình. Ngoài chức năng cúng dường, truyền giáo, Lục Cúng còn có chức năng giải trí, thẩm mỹ.Trong suốt lịch sử tồn tại của nó, Lục Cúng luôn được thay đổi, bồi đắp và phát triển đến đỉnh cao nghệ thuật.

Lục Cúng Hoa Đăng là một đàn trong bộ ba của nghi thức Chạy Đàn: Lục Cúng – Khai Tịch – Bạt Độ. Môi trường diễn xướng của Lục Cúng Hoa Đăng trong Phật giáo và trong cung đình có sự khác nhau. Trong khi Lục Cúng Hoa Đăng ở cung đình thường chỉ được trình diễn trong các ngày lễ Thánh Thọ, Tiên Thọ, Vạn Thọ và Lễ cúng Mụ; thì trong Phật giáo vũ khúc này chỉ được trình diễn trong những hoàn cảnh đặc biệt như lễ Lạc Thành, An Vị hay Lễ Hội, Vía Phật, nếu có tổ chức Giải Oan Bạt Độ, Trai Đàn Chẩn Tế. Khai Tịch – Bạt Độ được diễn trong đêm tổ chức Đàn Bạt Độ với ý nghĩa nguyện cầu cho những người đã khuất giải thoát oan khiên. Lục Cúng Hoa Đăng được diễn trong đêm có tổ chức Đàn Chẩn Tế với ý nghĩa hoàn mãn, vui mừng, chúc mọi người còn sống được thái bình, hạnh phúc, an lạc.

Giai đoạn đầu mới hình thành, Lục Cúng do hai vị tăng mặc áo Ca Sa vàng, đầu đội mũ Thất Phật biểu diễn, khi múa hai vị tăng này chỉ cử động cổ hai bàn tay để kiết ấn, xả ấn, hai bàn chân khẽ rê đi, dàn ra theo hình chữ 日 nhật (lúc dâng hương), hình liên hoa bốn cánh (lúc dâng hoa) hình chữ 亞 á (lúc dâng đăng), hình chữ 水 thuỷ (lúc dâng trà), hình chữ 卍 vạn (lúc dâng quả) và hình chữ 田 điền (lúc dâng thực). Về sau, có khi các vị Tăng không múa mà lại cho 4 hoặc 8 em nhỏ hoá trang làm Kim Đồng – Ngọc Nữ múa thay. Các em này đầu đội mũ Trang Kim, mặc áo màu, chân có bít tất trắng, chỗ trên hai khuỷu tay có vắt một mảnh lụa màu vàng lạt. Ứng với 6 lần múa có 6 khúc hát, điệu hát ngân nga, du dương, trầm tĩnh. Dứt mỗi khúc hát, nhạc công gõ vào não bạt và đánh trống đỗ hồi. Thời điểm mà Vũ khúc Lục Cúng được du nhập vào nhã nhạc cung đình thì nó đã phát triển gần đến độ hoàn thiện về nghệ thuật của nó. Dưới thời các vua Nguyễn mà mốc giới là từ thời vua Minh Mệnh trở về sau, trong cung đình, Lục Cúng Hoa Đăng được trình diễn bởi 16, 32, 48, hoặc 64 vũ sinh vừa nam vừa nữ má phấn môi son cũng hoá trang làm Kim Đồng-Ngọc Nữ. Vũ sinh đội mũ hoa sen, thắt dây kết bông, trong mặc áo lót màu lục, tay đính vỏ lừa, ngoài mặc áo Mã Tiên, xiêm dài, quần giáp, giải quần màu hồng, chân quấn xà cạp, bít tất trắng, hai tay cầm hai chậu đèn hoa sen, vừa múa vừa hát.

Cách đây ba mươi năm về trước, khi Lục Cúng Hoa Đăng đang còn thịnh hành, mỗi khi trình diễn ở các đàn tràng, thường chỉ 10, 12 hoặc 20 vị Tăng trình diễn, hoá trang làm chư Tiên. Đại để cách phục sức cũng giống như cách phục sức mà nhã nhạc cung đình đã duy trì. Nhưng áo Mã Tiên được mặc kèm Xà Phu mặc rồng (Xà Cạp chỉ được mang kèm với áo Bá Nạp biểu diễn trong đàn Khai Tịch và Bạt Độ). Mọi người đều cầm Lam ba (đèn hoa sen), riêng hai vị thủ (hai người đứng trước có vai trò ra hiệu lệnh, dẫn đường) thì có khi cầm não bạt (xập xoã) bằng đồng để ra hiệu lệnh. Mọi người đều vừa múa vừa tán. Các động tác ký vạn thọ (là động tác một chân bước lùi một bước, chân còn lại gập xuống, hai tay một cao một thấp đưa đèn lên trong tư thế chào. Động tác này thường kèm theo động tác xoay tròn cả người hai vòng ngược – xuôi. Thuật ngữ Lục Cúng gọi là Làm Bông hai mặt phải trái), chạy đàn Song Lục (nghĩa là cặp sáu. Bởi vì ngày xưa, vũ khúc Lục Cúng thường được trình diễn bởi 12 người. Khi chia hai hàng thì mỗi hàng có 6 người, xếp song song với nhau cho nên gọi là Song Lục), đôn bình, nâng hoa v.v…có khi nhanh khi chậm nhưng đều rập ràng, uyển chuyển, hoa mỹ mang tính nghệ thuật cao. Phụ hoạ theo các bài tán và các điệu múa, điệu vấn, điệu chạy, điệu nhảy là một dàn nhạc giao hưởng gồm: tang, mõ, trống, kèn, đàn, sênh, phách v.v… Thời gian trình diễn thường vào ban đêm, kéo dài từ một đến hai tiếng đồng hồ. Địa điểm diễn xướng chính là nơi đã được thiết trí sẵn cho đàn Bạt Độ, Chẩn Tế.

II. NỘI DUNG KHÁI QUÁT CỦA LỤC CÚNG HOA ĐĂNG

Lục Cúng Hoa Đăng là một loại hình nghệ thuật kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và vũ đạo. Nội dung cụ thể và sinh động của nó chỉ được truyền đạt trọn vẹn qua sự trình diễn sinh động trong một môi trường cụ thể, phù hợp. Ở đây, chỉ giới thiệu những nội dung khái quát của vũ khúc này.

Lục Cúng Hoa Đăng của nhã nhạc cung đình Huế hiện chỉ có 6 khúc hát: Đăng Hoa, Hương Phù, Hoa Quả, Trí Đăng, Phật Diện, Khể Thủ và Tam Tự Quy. Biểu trưng của 6 khúc hát là 6 lễ phẩm: hoa, hương, đăng, trà, quả, nhạc. Trong qúa trình tiếp nhận có thêm bớt, về sau lại bổ sung thêm bài La Liệt.

Lục Cúng Hoa Đăng của Phật giáo bao gồm 3 nội dung chính: phần triệu thỉnh Tiên đồng, Thổ địa và chư Tiên – phần hành đàn Song Lục và chồng bình – phần kết chữ và tự quy hồi đàn.

Mở màn, Tiên sứ giả triệu Tiên đồng:

” Thừa Như Lai chiếu chỉ, triệu Tiên đồng đáo lai đàn nội “.

Khi Tiên đồng xuất hiện, chạy quan sát khắp đàn tràng, rồi đứng trước đàn Giác Hoa hát các bài hát theo các thể loại: kẻ, hường, tán, nam, khách, tấu mã, phú lục, xưng danh. Hát xong Tiên đồng triệu Thổ địa. Thổ địa ra đàn tràng lễ Phật, Tiên và biểu diễn những động tác, những điệu hát như Tiên đồng đã làm. Sau đó, Thổ địa triệu thỉnh chư Tiên trở ra đàn tràng bắt đầu phần Lục Cúng.

Theo tiếng nhạc, chư Tiên ra đàn tràng, ký vạn thọ, cử tán, đi theo hình chữ 亞 á, vừa đi vừa đồng thanh tán bài Hội Phật Tiền:

” Hội Phật tiền, lạc văn kinh. Lục tiên mẫu hiến hoa đăng hề hiến hoa đăng. Minh minh cảnh cảnh chiếu tâm đăng hề chiếu tâm đăng. Hành trình hoàng lộ hiến hoa đăng hề hiến hoa đăng. Đức trạch quần sanh chư thiện đạo. Ân đàm cữu hữu phối linh quang. Phước đẳng hà sa vô số Phật. Hồi đầu vọng bái tại Phật tiền”.

Chư Tiên lễ Phật xong, ký vạn thọ, giao diện rồi đồng hô – ứng:

” Vạn lý giang sơn” “hề đáo bản đàn”. Tiếp đó, vừa múa vừa tán bài: “Nhạn giới tân phân cảnh thượng liêu – a thượng liêu. Vân cù lịch tận hải thiên nghiêu – a thiên nghiêu. Hoàng kim bố địa tha thiên quốc. Bạch ngọc diêu đài thượng tuý tiêu – a tuý tiêu”.

Trở về vị trí cũ, chư Tiên chia thành hai nhóm, làm hai bình Phù Diện trong tư thế hoa sen xếp tầng, cử tán, xẹt não bạt, nâng bình, giao diện, rồi đi theo hình chữ 日 nhật, cùng tán bài:

Từ từ hạ bình, ký vạn thọ, xẹt não bạt, giao diện, hành đàn Song Lục I, chạy chậm ba vòng rồi vấn Tứ Châu (bốn góc). Sau đó, trở về lại trước bàn Giác Hoa, tập trung cùng dựng bình Tam Bảo (hình dáng ba bông hoa, giữa cao hai bên thấp). Xẹt não bạt, nâng bình, múa đèn và cùng tán bài:

“Hương phần tại thượng phương. Thoại ái kim lô phóng. Nội hữu liêu nhiễu thanh yên. Diệu Âm Vương. Phụng hiếu điều ngự tiền. Như lai phù thọ (de), lưỡng túc tôn”.

Xả bình, xếp hai hàng, xẹt não bạt, ký vạn thọ, giao diện, hành đàn Song Lục II chạy thành vòng tròn rồi vấn Liên Đằng (sợi dây liên kết). Xẹt não bạt, trở về bàn Giác Hoa, giao diện, đồng hô đồng đáp: ” Vạn lý giang sơn – Hề đáo bản đàn”. Sau đó tập trung hai nhóm làm bình Song Hạt Phi Lai (hình dáng hai con hạt đang bay). Xẹt não bạt, nâng bình, cùng tán và múa bông theo bài:

“Nhân duyên tự tánh sở xuất sanh. Sở hữu chủng chủng vi diệu. Hoa hương đăng đồ quả nhạc. Phụng hiến thượng sư tam bảo tôn. Duy nguyện từ bi ai nạp thọ”.

Xẹt não bạt, trở về hai hàng dọc trước bàn Giác Hoa, ký vạn thọ, giao diện, xuất đàn Song Lục III, chạy chậm thành vòng tròn, giao diện, vấn Kết Thằng (dây thắt từng múi). Vừa chạy, vừa nhồi đèn rồi chia thành 4 nhóm tập trung ở bốn góc (đông tay nam bắc), làm Bát Cảnh Bái Bàn. Sau đó chạy thành vòng tròn, rẻ hai hàng trở về bàn Giác Hoa, cùng dựng bình Bảo Toạ (tương tự như hình dáng bình Phù Diện). Cử tán, xẹt bạt, nâng bình, vừa múa bông vừa tán bài:

“La liệt hương hoa kiến bảo đàn. Trùng trùng Phật cảnh nhất hào đoan, – nhất hào đoan Tâm dung diệu lý hư không tiểu. Đạo khế chân như pháp giới khoan – pháp giới khoan. Tướng hảo từ bi thu nguyệt mãn Hoá thân đằng vận mộ vân phiền – mộ vân phiền. Hương yên đối lý chiêm ứng hiện. Vạn tượng sum la hải ấn hàm. Vạn tượng sum la hải ấn hàm”.

Hạ bình Bảo toạ, xếp lại hai hàng dọc, xẹt não bạt. Ký vạn thọ, rồi xuất đàn Song Lục IV. Sau đó chạy lại thành vòng tròn, cùng vấn Lồng Mốt (vấn xen kẻ hai người với nhau nhưng vấn một lần) rồi trở lên trước bàn Giác Hoa sắp hình các chữ thiên hạ thái bình: 天下太平

Sau đó trở về vị trí hai hàng dọc, cùng nhồi đèn và tán bài Tam Tự Quy: mỗi lần tán một Tự Quy, từ hàng hai, xếp thành hàng tư cùng cúi xuống lạy, rút lại thành hàng hai, như thế ba lần cho đến: ” Thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại”. Hai vị thủ dứt não bạt. Cả đại chúng đồng hoà hồi đàn: ” Hoà nam thánh chúng”.

Trong trường hợp chỉ trình diễn một vũ khúc Lục Cúng, quý vị Tăng hoá trang làm chư Tiên có thể thêm các bài tán Diệu Hoa, Hoa Quả, Ngã Kim Y Giáo, v.v… và dựng thêm bình Lưỡng Long Tranh Châu, Tứ Thiên Vương, làm Hoa Khai Hoa Hạp, v.v… vốn là những tiết mục của Khai Tịch và Bạt Độ. Đặc biệt gần đây, trong khi phục hồi vũ khúc này, cố Hoà thượng Thích Từ Phương đã có công đưa điệu thức Thài và bốn khúc hát vào phần xếp bốn chữ Thiên Hạ Thái Bình đã làm cho tiết mục này thêm phần phong phú, nghệ thuật.

Trước đây Lục Cúng Hoa Đăng đã từng được lưu diễn tại Lễ hội Quán Thế Âm tổ chức ở Động Huyền Không – Ngũ Hành Sơn (Quảng Nam Đà Nẵng), tại Đại lễ Bạt Độ Chấn Tế tổ chức ở Đại Lộ Kinh hoàng (Quảng Trị). Riêng tại Huế, dưới thời Khải Định, vua đã mời vào biểu diễn tại cung An Định. Hầu hết các chùa Thiên Mụ, Diệu Đế, Quốc Ân, Châu Lâm, Phước Điền, Báo Ân, Dạ Lê v.v… đều đã từng là nơi có biểu diễn vũ khúc này. Sau 30 năm vắng bóng, đến năm 2003, vũ khúc này mới được phục hồi và đã trải qua bốn lần trình diễn tại: Đại lễ Phật Đản PL.2546 ở chùa Diệu Đế, Lễ hội Quán Thế Âm ngày19/6/PL 2546 ở Núi Tứ Tượng, Thủy Bằng, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế, Lễ hội Quán Thế Âm ngày 19/2/PL 2548 tại Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng và Đại Lễ Phật Đản PL.2548 tại chùa Từ Đàm.

So với Lục Cúng Hoa Đăng của nhã nhạc cung đình Huế, Lục Cúng trong Phật giáo vẫn còn bảo lưu được sự phong phú về hình thức, sự đa dạng về nội dung. Đặc biệt, chức năng, tính chất, môi trường diễn xướng và mục đích của nó vẫn còn giữ gìn trọn vẹn. Trong khi Nhã nhạc cung đình Huế do môi trường diễn xướng không còn giữ nguyên như thời Phong Kiến cho nên Lục Cúng Hoa Đăng của cung đình đã không còn bảo lưu được chức năng nghi lễ của nó. Công việc phục hồi hiện tại cũng chỉ đạt đến 60%. Hơn nữa, do mục đích giới thiệu, du lịch là chủ yếu, vì vậy vũ khúc này chưa bao giờ được trình diễn có tính bài bản trọn vẹn. Trong khi ấy công việc phục hồi vũ khúc Lục Cúng Hoa Đăng này trong Phật giáo mặc dầu đã đạt được những thành quả nhất định song vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn về nhân sự, tài chính, sự tập luyện bền bỉ. Quan trọng hơn là những bậc am tường về loại hình nghệ thuật vũ nhạc đặc thù này lại quá hiếm như “sao buổi sớm” như “lá mùa thu”. Trước mắt vẫn còn nhiếu vấn đề cần phải giải quyết như việc kế thừa trọn vẹn, sau đó sửa đổi, phát huy. Bởi vì, Lục Cúng cũng là một loại hình nghệ thuật có tính lịch sử văn hóa. Nếu không có sự tiếp nối, kế thừa và sáng tạo, phát triển thì chúng ta sẽ tự đánh mất một viên ngọc quý trong kho tàng Lễ Nhạc Phật giáo Huế – vốn được coi là đỉnh cao của Lễ Nhạc Phật giáo Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo chính1. Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huế, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1992. 2. Giáo án Lục Cúng – Khai Tịch – Bạt Độ, tài liệu chép tay của Thượng Toạ Thích Thanh Liên, Chùa Từ Hóa, Huế

Cập nhật thông tin chi tiết về Tản Mạn Cỗ Chay Xứ Huế trên website Apim.edu.vn. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!