Xu Hướng 6/2023 # Phật Giáo Không Có Nghi Lễ Cúng Sao Giải Hạn # Top 9 View | Apim.edu.vn

Xu Hướng 6/2023 # Phật Giáo Không Có Nghi Lễ Cúng Sao Giải Hạn # Top 9 View

Bạn đang xem bài viết Phật Giáo Không Có Nghi Lễ Cúng Sao Giải Hạn được cập nhật mới nhất trên website Apim.edu.vn. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất.

Hằng năm, cứ vào dịp đầu năm Âm Lịch, nhất là tuần lễ thứ hai trong tháng Giêng mà cao điểm là ngày Rằm, người Phật tử Việt Nam và Trung Hoa thường có lệ hành hương đi chùa lễ Phật. Một số các chùa lợi dụng sự mê tín cúng sao giải hạn theo tập quán người Trung Hoa để tăng thu nhập từ Thập phương tín thí trong dịp lễ hội cầu an đầu năm này. Biết không đúng với chánh pháp nhưng vẫn đua nhau làm

Rằm Tháng Giêng, còn gọi là lễ Thượng Nguyên là lễ hội dân gian ở Việt Nam, được du nhập từ nước láng giềng Trung Hoa phương Bắc. Gọi thượng nguyên là cách phân chia theo Âm lịch: thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), trung nguyên (Rằm tháng Bảy) và hạ nguyên (Rằm tháng Mười) của hệ thống lịch tính theo mặt trăng. Theo một số sách Trung Hoa, như Đường Thư Lịch Chí, quyển 18 thì có chín ngôi sao phát sáng trên trời. Có sách nói là bảy sao, rồi về sau có sách thêm vào hai sao La Hầu và Kế Đô. Chín vì sao đó là Nhật Diệu, Nguyệt Diệu, Hỏa Diệu, Thủy Diệu, Mộc Diệu, Kim Diệu, Thổ Diệu, La Hầu và Kế Đô. Có sách thêm sao Thái Bạch nữa thành mười sao. Chín vì sao này hay còn gọi là Cửu Diệu là các sao phối trí theo các phương, sắp xếp theo mười hai chi và ngũ hành. Theo sách này cho rằng thì hàng năm mỗi tuổi âm lịch chịu ảnh hưởng của một vì sao gọi nôm na là sao chiếu mạng. Do đó có năm gặp sao tốt, có năm gặp sao xấu. Hai sao La Hầu và Kế Đô là sao xấu, là loại ám hư tinh vì hai sao này chẳng thấy được mặt trời.

Đó là theo tập tục dân gian vốn có từ thời xa xưa mông muội, khi mà con người cảm thấy quá bé nhỏ trước thiên nhiên, bị đủ loại bệnh hoạn mà chưa tìm ra thuốc chữa, cho là vì các vị Thần trừng phạt, nên sợ sệt trước đủ mọi loại Thần mà họ có thể tưởng tượng ra được, từ thần Sấm, thần Sét, thần Cây Đa, cây Đề, thần Hổ, thần Rắn, thần Núi, thần Sông (Hà Bá) v.v…

Tại sao chúng tôi nói là không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật tử cả. Bởi vì tất cả họa và phước mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên.

Bảy ngôi sao, chín ngôi sao hay mười ngôi sao nói ở trên là do chính con người đặt tên và vẽ cho mỗi ngôi sao mang một đặc tính, chứ đức Phật không hề nói về chúng.

Ngài dạy chúng ta về nhân quả. Ngài dạy rằng không có quả nào từ trên trời rơi xuống, hoặc dưới đất hiện lên, mà đều do các hành động qua tâm, khẩu và ý của con người tạo ra. Con người tạo nhân tốt lành thì quả tốt lành nhất định đến. Thí dụ như chúng ta muốn có cam ngọt thì chúng ta phải chọn giống hay chiết cành từ cây cam ngọt, như cam Texas chẳng hạn. Thêm vào đó chúng ta phải chăm sóc, bón phân, tưới nước đúng thời kỳ, thì thế nào chúng ta cũng sẽ hái được cam ngọt.

Tương tự như vậy, mọi sự thành công hay thất bại trong đời của mỗi người không phải do ai ban phát cho, mà do những cái nhân chúng ta tạo nên từ trước, khi nhân duyên đầy đủ thì quả thành. Những nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ qủa tốt. Nhà Phật có câu “muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại“; Tuy nhiên, nhân quả không đơn thuần mà rất đa dạng, trùng trùng, chẳng phải chỉ do trực tiếp ở đời hiện tại mà lại có thể do ảnh hưởng từ nhiều đời trong quá khứ, ngoại trừ những người tu hành liễu đạo, tới được trạng thái “Tâm Không” thì: “Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không“(Vĩnh Gia Huyền Giác).

Đức Phật là vị đạo sư, Ngài không làm chuyện bất công là ban phước hoặc giáng họa cho ai, đã dạy chúng ta rằng phải tạo nhân lành để hưởng quả tốt trong Nhân Thừa. Rồi Ngài dạy chúng ta con đường để thăng tiến trong năm Thừa của nhà Phật, từ Nhân Thừa, Thiên Thừa, Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa và Bồ Tát Thừa, rồi đi tới giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.

Quý vị tu sĩ trong đạo Phật là Trưởng Tử Như Lai, hiển nhiên là phải nối tiếp bước chân của Đức Phật mà soi chiếu Ánh Đạo Vàng cho Phật tử, dạy Phật tử những điều Phật dạy trong kinh. Quý vị tu sĩ Phật giáo không phải là những người môi giới giữa Thần Thánh và tín đồ như tu sĩ của một số tôn giáo khác, tự nhận là có thể cầu xin Thần Thánh ban ơn giáng họa được. Chúng ta cần dùng trí tuệ để hiểu rõ con đường Giải Thoát của nhà Phật.

Trong kinh Phật Giáo Nguyên Thuỷ (kinh Trường Bộ), Đức Phật đã khuyên các thầy Tỳ Kheo, những người đã thọ dụng sự cúng dường của tín thí Phật tử, không nên thực hành những tà hạnh như: ” chiêm tinh, chiêm tướng, đoán số mạng, xem địa lý, xem mặt trăng, mặt trời, các sao mọc lặn, sáng mờ, … sắp đặt ngày lành để đưa (rước) dâu hay rể về nhà, lựa ngày giờ tốt để hòa giải, lựa ngày giờ tốt để chia rẽ, lựa ngày giờ tốt để đòi nợ, lựa ngày giờ tốt để cho mượn hay tiêu tiền, dùng bùa chú để giúp người được may mắn, dùng bùa chú để khiến người bị rủi ro, dùng bùa chú để phá thai, dùng bùa chú làm cóng lưỡi, dùng bùa chú khiến quai hàm không cử động, dùng bùa chú khiến người phải bỏ tay xuống, dùng bùa chú khiến tai bị điếc, hỏi gương soi, hỏi phù đồng thiếu nữ, hỏi thiên thần để biết họa phước, … “

Ngoài ra, cũng trong kinh Nguyên Thuỷ (Giải Thoát Kinh), Đức Phật đã dạy về giáo pháp của chư Phật. Ngài dạy rằng:

“Ai hành trì chánh Pháp Là cúng dường Đức Phật Bằng cách cao quí nhất Trong các sự cúng dường…”

Pháp mà Ngài dạy có thể tóm lược trong ba điều, đã trở thành quen thuộc với mọi người Phật tử:

“Không làm các việc ác Siêng làm các việc lành Thanh tịnh hoá tâm ý…”

Như vậy, nếu mỗi Phật tử đều hành trì ba điều Đức Phật dạy kể trên thì giờ nào, ngày nào, tháng nào hay năm nào cũng đều là giờ hoàng đạo, là ngày tốt, tháng tốt và năm tốt cả; đâu cần phải đi nhờ thầy cúng sao giải hạn nữa. Và hành trì như thế mới là cách cúng dường cao quý nhất trong các cách cúng dường Đức Phật. (Hoàng Liên Tâm)

‘Không Có Nghi Lễ Dâng Sao Giải Hạn Trong Giáo Lý Nhà Phật’

“Thực chất đó là lễ cầu an, cầu lợi ích cho đời, cho thế gian. Thường ở tòa Tam Bảo trong các chùa, nhà chùa dâng hoa quả cúng Phật”, Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh chia sẻ.

Loạn cúng sao giải hạn, “hối lộ” thần thánh

Vài năm trở lại đây, đã thành thông lệ, cứ vào đầu năm, người dân lại ù n ùn kéo đến các chùa đăng kí làm lễ dâng sao giải hạn. Để được dâng sao ở chùa, người dân đôi khi phải đăng ký giải hạn từ trước Tết.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, trong giáo lý nhà Phật lại không khuyến khích việc này, càng không có quan niệm về dâng sao giải hạn.

Tục dâng sao giải hạn nằm trong nghi lễ của Đạo giáo, tức là Lão Tử của Trung Quốc. Nó đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người, nhất là người dân Việt Nam. Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh. Có 9 sao, trong đó có: Thái dương, Thái Âm, Mộc đức, Vân hớn, Thổ tú, Thủy diệu, La hầu, Kế đô, Thái bạch.

Trong 9 ngôi sao có sao tốt, có sao xấu. Năm nào sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật… gọi là vận hạn. Trước đây chỉ có đình, đền thực hiện nghi thức này.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh. Ảnh: Diệu Bình

Sau này, Phật giáo tiếp nhận dưới nghi thức làm lễ cầu an cho gia đình quý phật tử được an lạc, hạnh phúc.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cho biết: “Trong đạo Phật không có dâng sao giải hạn. Tuy nhiên, vẫn có một số ít chùa, nơi người dân chịu nhiều ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian, thì các vị tu sĩ Phật giáo cũng đành phải (gọi là tùy duyên hóa độ, tùy theo niềm tin của đa số quần chúng) tổ chức các khóa lễ để cầu an, lấy niềm tin là chính.

Thực chất đó là lễ cầu an , cầu lợi ích cho đời, cho thế gian. Thường ở tòa Tam Bảo trong các chùa, nhà chùa dâng hoa quả cúng Phật.

Nghi thức của lễ cầu an là tụng kinh Phật, nương theo lời dạy của Ngài mà hành trì theo để cuộc sống được bình an hơn chứ không phải làm lễ để bài trừ được tai họa như nhiều người lầm tưởng”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cũng nhấn mạnh: “Tại những khóa lễ này, bên cạnh những nghi thức thuần túy Phật giáo, mục tiêu cũng vẫn là dùng phương tiện để hóa độ chúng sinh, từ từ chuyển tâm họ quay về bờ Giác. Bởi vì tất cả họa và phúc mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên.

Nhưng có một điểm chúng ta cần lưu ý, giữa nghi lễ Phật Giáo và tín ngưỡng dân gian đều có một ý nghĩa chung là cầu cho mọi người đều gặp nhiều an lành, tránh được những rủi ro trong cuộc sống. Mục đích của tín ngưỡng hay Phật giáo đều hướng con người ta đến cái chân, thiện, mỹ – những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Tuy nhiên, hiện nay, một số chùa chưa có những giải thích rõ ràng về tục dâng sao giải hạn để các phật tử hiểu thấu đáo, tránh đi vào màu sắc mê tín dị đoan hoặc quá đề cao nghi thức này.

Dẫn đến ngày càng có nhiều người đổ đến các chùa làm lễ giải hạn như một trào lưu. Thậm chí giới kinh doanh thường đổ rất nhiều tiền bạc cho việc dâng sao giải hạn đầu năm tại các đình, đền, chùa…, nhưng trên thực tế lại chưa hiểu đúng bản chất của nghi thức này.

Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu đúng mục đích thuần túy cầu bình an thì tốt, còn nếu bỏ tiền bạc, vật chất làm lễ làm lễ dâng sao thì quá phí phạm, chi bằng dùng tiền đó làm từ thiện, bản thân họ tạo được phúc, mang lại quả ngọt cho đời”.

Tác giả: Diệu Bình

Nghi Lễ Dâng Sao Giải Hạn Không Phải Là Nghi Lễ Của Phật Giáo!

Người dân đứng hàng dài hàng trăm mét trên đường, cầu gần chùa cùng gương mặt lo âu, thấp thỏm, chen lấn để được vào làm lễ, xin lộc là cảnh tượng quen thuộc nhiều năm. Tại những ngôi chùa này, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, mặt ai cũng nghiêm trang, thành kính; người nào cũng chắp tay trước ngực, miệng lẩm nhẩm những câu gì đó, chỉ bản thân họ mới biết. Trong số những khuôn mặt “thành kính” kia, không ai dám chắc là không có những người chỉ mới hôm qua thôi, còn mắng chửi hàng xóm thậm tệ chỉ vì một xích mích nhỏ, thậm chí có kẻ còn làm những việc thất đức nữa.

Nói như thế không có nghĩa là tất cả những người đến đây đều ác tâm, nhiều người trong số họ vẫn thành tâm đấy nhưng khấn nguyện để tìm kiếm sự an lành cho mình mà phải chen lấn nhau, thậm chí giẫm đạp lên nhau thì liệu có còn thiêng nữa không? Nhất là điều ấy lại diễn ra nơi cửa Phật, chốn linh thiêng không dành cho những kẻ thiếu thiện tâm.

Đám đông kia làm gì nơi cửa Phật? Họ cúng dâng sao giải hạn đấy! Người ta quan niệm rằng, mỗi năm của một người sẽ ứng với một ngôi sao chủ nào đó. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, người ấy sẽ gặp phải những chuyện chẳng lành, cả về công việc lẫn sức khỏe.

Trước đây, lễ cúng dâng sao giải hạn được thực hiện tại nhà, hoặc tại các ngôi đình trong làng do các thầy pháp thực hiện. Thế nhưng, không biết từ bao giờ, việc cúng dâng sao giải hạn lại được thực hiện trong các chùa, lại do một số sư sãi tiến hành.

Đây là điều trái với giáo lý nhà Phật. Nhiều vị đại đức uy tín trong Hội Phật giáo Việt Nam đã không ít lần lên tiếng bất bình với việc cúng dâng sao giải hạn tại các chùa vì nó trái với triết lý của đức Phật.

Đặc biệt, việc cúng bái và hành lễ do các sư chủ trì và nhận tiền “công đức” từ những người đến tham dự lễ là một sự biến tướng khó có thể chấp nhận. Nó thương mại hóa ngay nơi cửa Phật như thế thì khác nào núp bóng chốn thiền môn để kinh doanh lòng tin của đám đông cuồng tín!

Ai cũng có một góc tâm linh của lòng mình để an ủi, để giãi bày và chia sẻ. Nó hoàn toàn khác với mê tín dị đoan. Cần phân biệt rõ khái niệm này để có cách hành xử chuẩn mực và có văn hóa. Không một kẻ khuất mặt nào có thể can dự vào đời sống tinh thần lẫn vật chất của người đang sống.

Rất tiếc là, xã hội ngày càng phát triển về khoa học kỹ thuật, có thể giải mã nhiều bí ẩn các hiện tượng tự nhiên thì không ít người lại đi ngược lại quy luật đó. Cúng dâng sao giải hạn vừa diễn ra ở nhiều ngôi chùa không những không làm tôn nghiêm thêm sự thiêng liêng nơi cửa Phật mà còn làm méo mó đời sống tâm linh của mỗi người.

Trao đổi với PV về hiện tượng người dân đi cúng dâng sao giải hạn đầu năm, GS Trần Lâm Biền, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã có những ý kiến thẳng thắn về vấn đề này. GS Trần Lâm Biền: Muốn giải được hạn, trước tiên con người ta phải thiện tâm. Nhờ cái thiện tâm, mà những cái ác nghiệt được hạn chế đi, tự nó sẽ hết. Đó là con đường đi đến bình an theo tinh thần của thần thánh, đạo Phật. Nhà chùa, đền là nơi của thần thánh, để chúng sinh đến đó học tập, thực hiện những điều thiện trên nền tảng trí tuệ. Trên nền tảng ấy sẽ đi đến bản chất của thiện tâm. Phải có tuệ mới đi được vào bản chất của tâm thiện mà đi đến những điều tốt lành.

Cũng theo GS Trần Lâm Biền việc Dâng sao giải hạn vốn không phải của người Á Đông mà gắn với chiêm tinh học ở Trung Cận Đông. Cư dân ở đây thường theo dõi những ngôi sao và liên tưởng rằng trong mỗi thời khắc, trật tự của các ngôi sao sẽ chi phối số phận của con người… Mỗi người sinh ra ở các giờ khác nhau, thời khắc khác nhau sẽ bị chi phối bởi những ngôi sao khác nhau, từ đó mà hình thành tử vi.

Nhưng đi xa dần khỏi trung tâm của nơi nảy sinh, đến tới các nước phương Đông, tư tưởng này dần bị sai lệch. Dâng sao giải hạn tại Việt Nam tồn tại lâu đời trong dân gian thực chất ảnh hưởng từ Trung Hoa. Theo quan niệm của Đạo giáo, trên trời có 24 ngôi sao, do 24 vị thần chủ có ảnh hưởng đến số phận con người, trong đó có 9 ngôi sao sáng nhất sẽ luân phiên chiếu mệnh các năm.

Đó là các sao La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. 9 sao này có sao tốt và có cả sao xấu, phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, tai nạn, ốm đau, bệnh tật… gọi là vận hạn, là sao chiếu mạng (nặng nhất là “Nam La Hầu, nữ Kế Đô” là loại ám hư tinh vì 2 sao này chẳng thấy được mặt trời).

Từ đó dân gian mới có tục dâng sao giải hạn để tránh những sao xấu chiếu rọi, đi vào cung chiếu của những sao tốt. Nhưng thực tế đây lại là điều không tránh được. Con người đã bịa ra những cái đó, dùng uy lực của thánh thần để dâng sao giải hạn.

Dâng sao giải hạn suy cho cùng chỉ là do con người bịa ra để an ủi chính bản thân mình, rồi bị những kẻ hoạt đầu tôn giáo tín ngưỡng lợi dụng kiếm lợi riêng dựa trên sự hiểu biết chưa đầy đủ của quần chúng.

Mới đây, Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu tăng ni, nhất là lãnh đạo giáo hội cần gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu Xuân tại các chùa bằng các pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an. Việc tổ chức phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, trục lợi.

Cũng theo Công văn nêu rõ, nguyện cầu bình an, mong muốn sức khỏe, hạnh phúc, an lạc là nhu cầu của con người. Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn của nhân loại, chỗ dựa tinh thần tâm linh cho con người. Việc các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, mong muốn đem lại bình an cho người dân là việc làm có ý nghĩa đem lại sự lạc quan trong cuộc sống.

Tuy nhiên, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng thừa nhận, trong những năm gần đây, tại một số chùa, cách tổ chức nghi lễ cầu an có sự sai lệch. Việc dâng sao giải hạn cũng được tổ chức tại nhiều ngôi chùa

“Nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên. Phật giáo tôn trọng và đã đã dùng phương pháp tiện để tập hợp mọi người mà giảng về giáo lý nhân quả, hoằng dương Chính pháp,” công văn do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký nhấn mạnh.

Một trong những hiện tượng tiêu cực đó là biến tướng trong hoạt động dâng sao giải hạn, lợi dụng nhu cầu chính đáng của người dân để trục lợi. Những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi, nhiều di tích, điểm thờ tự… liên tục ở trong tình trạng quá tải do lượng người đến làm lễ dâng sao giải hạn quá lớn. Ví dụ như, tối 12/2 (tức mùng 8 tháng Giêng), hàng ngàn người đã đổ về chùa Phúc Khánh (Hà Nội) dự lễ cúng giải hạn sao, xếp hàng dài từ sân chùa ra khu vực quanh cầu vượt Ngã Tư Sở, gây mất an toàn giao thông…

Để khắc phục những biến tướng trong việc thực hành những nghi lễ, tập tục truyền thống, lợi dụng niềm tin của người dân để trục lợi, bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, các cơ quan quản lý, nhà văn hóa… cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa thực sự, tránh sự lệch lạc khi thực hành.

Việc lợi dụng đám đông cuồng tín để kinh doanh, thu lợi bất chính tại các chùa không những trái với giáo lý của đạo Phật mà còn vi phạm pháp luật. Đáng tiếc là, “dịch” mê tín này đang lan nhanh hằng năm trong đời sống của người dân. Cần có một cuộc đại phẫu về các loại lễ lạt nặng tính dị đoan này để trả lại sự thiện lành trong đời sống tâm linh đã song hành cùng dân tộc hàng ngàn năm nay.

Quang Tới/VHVN

Nên Hay Không Thực Hiện Lễ Dâng Sao Giải Hạn Đầu Năm Từ Góc Nhìn Phật Giáo?

PV: Lễ dâng sao giải hạn đầu năm dù không có nguồn gốc từ Phật giáo nhưng vẫn được các chùa nhận làm lễ. Xin Đại đức giải thích về điều này?

Đại đức Thích Bản Tuệ: Các chùa vẫn nhận thực hiện nghi lễ này, dù dâng sao giải hạn không có nguồn gốc Phật giáo, có lẽ là bị đòi hỏi phải phục vụ tín ngưỡng vì tồn tại ở xóm làng thì phải theo tư tưởng của con người. Một phần khác là đã không mất lòng lại được lợi ích vật chất giúp xây dựng chùa chiền. Còn phần nữa là hình thức này trước đây khi chưa biến tướng còn là phương tiện để đưa người vào đạo, bước đầu thể giáo hoá con người để họ đạt được lý tưởng giải thoát của Phật giáo sau này.

PV: Vậy lễ dâng sao giải hạn hiện nay các chùa đang thực hiện thực chất phải chăng là lễ cầu an đầu năm, thưa Đại đức?

Đại đức Thích Bản Tuệ: Trong quan niệm của người Á Đông, theo vòng quay của sao Thái Tuế, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh tùy theo năm. Có tất cả 24 vì sao quy tụ thành 9 chòm: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. Trong 9 ngôi sao này, có sao tốt, có sao xấu. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật. . . gọi là vận hạn. Còn nếu năm đó được sao tốt chiếu mệnh, sẽ làm lễ dâng sao nghinh đón.

Tập quán này vốn xuất phát từ Trung Quốc, còn cha ông ta từ xa xưa chỉ làm lễ cầu an, cầu phúc đầu năm cho tất cả thành viên trong gia đình: Trong chân lý nhà Phật không có việc giải hạn các sao. Thực chất đó là lễ cầu an, cầu lợi ích cho đời, cho thế gian. Ở toà Tam Bảo, nhà chùa làm hoa quả, hoa nghi cúng Phật, có cái gì thì dâng lên cúng Phật chứ không có nghi thức gì khác cả. Từ “giải sao” là cho dễ hiểu chứ không có lễ giải sao nào cả.

PV: Nhiều người đã đặt niềm tin vào lễ dâng sao giải hạn đầu năm với mong muốn sẽ bớt đi những đen đủi, khổ đau trong năm. Đại đức có cho rằng, niềm tin này đã đúng với giáo lý nhà Phật?

Đại đức Thích Bản Tuệ: Dâng sao nói đến việc nghinh sao tốt tiễn sao xấu. Sao tốt ám chỉ những điều như sức khoẻ, tiền bạc, niềm vui. Sao xấu ám chỉ tranh cãi, thị phi, tai nạn. Nếu chỉ nhờ việc cúng bái để mang đến tiền bạc, sức khỏe và tiễn đi tranh cãi thì đây là phi lý. Việc cúng bái này mang 2 ý nghĩa. Một là khiến cho con người hiểu và nhớ đến cái chí thiện, chí nhân, chí mỹ. Và ý thứ 2 là niềm mong mỏi của bất cứ ai về hạnh phúc và an lạc.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, con người phải có niềm tin vào bản thân, tin vào nhân quả, tin vào cuộc sống. Hạnh phúc không phải do tha nhân mà là chính sự kiểm soát tư tưởng, lời nói, hành động của mình. Đức năng thắng số, sống một lối sống lành mạnh sẽ mang đến thể chất tốt, chia sẻ, tha thứ yêu thương sẽ nuôi dưỡng 1 tâm hồn tốt. Những cái đó bản thân mình tự tạo ra mới được.

PV: Gần đây, lễ dâng sao giải hạn tại một số chùa đã thu hút cả nghìn người tham gia, gây ra tắc đường và các vấn nạn về môi sinh. Đây có lẽ là mặt trái của nghi lễ này, thưa Đại đức?

Đại đức Thích Bản Tuệ: Nghi lễ dâng sao cầu bình an tuy không hẳn là hình thức mê tín, nhưng có thể dễ dàng để một số người trục lợi từ những người kém hiểu biết về Phật giáo. Bên cạnh đó cũng gây ra một số tiêu cực như làm sai lệch đi suy nghĩ của dân chúng về thuyết nhân quả, tập trung đông đảo người tham gia hành lễ gây cản trở giao thông, mất trật tự an ninh, một trong những tác nhân dẫn đến việc đốt vàng mã, hình nhân đầu năm. Tôi nghĩ rằng, nghi lễ này cũng nên bỏ dần để thay thế vào đó một cái nhìn minh bạch hơn về Phật giáo.

Xin cảm ơn Đại đức về cuộc trò chuyện!

Cập nhật thông tin chi tiết về Phật Giáo Không Có Nghi Lễ Cúng Sao Giải Hạn trên website Apim.edu.vn. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!